Thiết bị quan trắc không khí nhỏ gọn được nhóm nghiên cứu Trường ĐH Việt Đức giới thiệu tại hội nghị – Ảnh: TƯỜNG HÂN
(Theo Tuổi trẻ Onlie) Vẽ bản đồ chất lượng không khí, cảm biến sinh học phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu, giải mã gen để phát hiện và điều trị ung thư là những dự án ba nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu ở nước ngoài muốn mang về quê hương.
Những dự án trên được giới thiệu tại hội nghị khoa học công nghệ vừa diễn ra tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM).
“Trạm quan trắc” trên xe máy
Là chuyên gia về công nghệ cảm biến, TS Võ Bích Hiển – Trường ĐH Việt Đức, từng nghiên cứu tại MIT (Mỹ) – giới thiệu giải pháp tích hợp cảm biến không dây trong quan trắc chất lượng không khí.
“Muốn biết mức độ ô nhiễm giữa các quận, huyện như thế nào cần có dữ kiện cập nhật theo giờ. Học tập một số mô hình ở Zürich (Thụy Sĩ), Chicago (Hoa Kỳ), chúng tôi thiết kế những trạm quan trắc nhỏ gọn, rẻ tiền, gắn lên xe máy để vẽ bản đồ không khí TP.HCM.
Dĩ nhiên với giá thành rẻ, cảm biến sẽ có một vài hạn chế. Nhưng chúng tôi nhận được sự giúp đỡ từ các nhà khoa học Việt kiều tại ĐH Southampton (Anh) để hoàn thiện”.
Theo TS Hiển, thiết bị chủ yếu đo mật độ bụi siêu mịn có đường kính dưới 2.5 micromet trong không khí – yếu tố liên quan đến các bệnh đường hô hấp và ung thư.
“Triển khai theo mô hình khoa học công dân (citizen science), mỗi người có thể đóng góp vào dự án bằng cách mua thiết bị này gắn trên xe hoặc trong nhà để tự cập nhật thông tin môi trường. Chính quyền cũng có thể dùng những dữ kiện này để quy hoạch đô thị, giám sát khói thải” – TS Hiển nói.
Thiết bị cầm tay đo dư lượng thuốc trừ sâu
Nghiên cứu tại phòng thí nghiệm kỹ thuật y sinh ở ĐH Hàn Quốc, TS Trần Thị Thanh Thỏa đang phát triển cảm biến sinh học để phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Công ty Samsung tài trợ cho dự án trong 10 năm và hiện đã thực hiện được ba năm.
“Các phương pháp truyền thống dù chính xác cao nhưng đòi hỏi máy móc cồng kềnh, đắt tiền, kỹ thuật viên có trình độ cao. Trong khi hướng ứng dụng vật liệu nano sinh học cho thấy nhiều triển vọng để phát triển thiết bị nhỏ gọn, chính xác để phát hiện thuốc trừ sâu” – TS Thỏa nói.
Hiện nhóm nghiên cứu tìm hiểu phân tử aptamer khi tương tác với thuốc trừ sâu, đề xuất phương pháp để nhận biết (như tạo tín hiệu huỳnh quang, thay đổi màu sắc). Sau đó, aptamer sẽ được dùng làm vật liệu chính trên thiết bị này.
Sau ba năm nghiên cứu đã chọn lọc được sáu aptamer cho các thuốc trừ sâu khác nhau, có tính đặc hiệu cao. Một trong số đó đã dùng thử nghiệm để xác định lượng thuốc trừ sâu trong mẫu gạo.
“Để nghiên cứu phát triển cảm ứng này cần có sự kết hợp giữa nhà khoa học và các công ty điện tử. Aptamer trước nay chủ yếu được dùng trong chẩn đoán và điều trị bệnh hơn là dùng trong xác định thuốc trừ sâu. Vì chúng tôi bắt tay nghiên cứu sớm nên có kết quả bước đầu để thuyết phục nhà tài trợ” – TS Thỏa cho biết thêm.
Nội địa hóa giải mã gen
TS Phan Minh Liêm – Ảnh: L.M.
Nghiên cứu tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Texas, Mỹ), TS Phan Minh Liêm chia sẻ công nghệ giải mã gen đã hoàn chỉnh và phổ biến tại các cơ sở điều trị ở Mỹ.
TS Liêm giải thích: “Chỉ cần mẩu nước bọt, công nghệ giải mã gen cho biết nguy cơ một người mắc ung thư cao hay thấp tại những bộ phận nào trên cơ thể. Với bước tiến của trí tuệ nhân tạo (AI), quá trình giải mã 20.000 gen ở người diễn ra nhanh chóng, giúp dự đoán nguy cơ ung thư trước khi căn bệnh xuất hiện.
Ngay cả ung thư giai đoạn cuối hay trường hợp kháng thuốc, giải mã gen cũng giúp bác sĩ tìm ra tế bào ung thư, từ đó có thuốc và phác đồ điều trị chính xác. Đây là phương pháp tối ưu theo kịp khả năng tiến hóa liên tục của tế bào ung thư. Nhiều trường hợp ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi giai đoạn cuối cũng được chữa khỏi nhờ cách này”.
Theo TS Liêm, Việt Nam chưa có điều kiện làm công nghệ này, có thể gửi mẫu bệnh phẩm qua các viện nghiên cứu ung thư tại Mỹ để phân tích gen phục vụ điều trị. Chi phí vẫn còn hơi cao so với mặt bằng chung (khoảng 7.000 USD trên tế bào ung thư và 6.000 USD để tầm soát nguy cơ ung thư).
“Chúng tôi đã có giấy phép thành lập Viện Y sinh Việt Nam – Hoa Kỳ ở Nha Trang để làm cầu nối điều trị, sau đó nội địa hóa một số bước” – TS Liêm thông tin.