(Tạp chí Khám phá) Với vai trò quản lý nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trên địa bàn Thành phố, Sở KH&CN TP.HCM đã tham gia và đóng góp tích cực trong việc hình thành và phát triển nhiều mô hình nghiên cứu – công nghệ điển hình. Những mô hình này đã lan tỏa và trở thành mô hình kiểu mẫu để các tỉnh, thành trong cả nước nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm.
Công viên Phần mềm Quang trung (QTSC)
Sau 17 năm hoạt động và phát triển, QTSC đã thu hút 33 nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Với nền tảng đó, hiện đã có 150 doanh nghiệp CNTT được cấp phép hoạt động sản xuất phần mềm, dịch vụ CNTT, với hơn 250 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp. Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang 20 quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước EU… Đáng chú ý, tại QTSC đã tạo được môi trường cho khoảng 20.500 người tham gia học tập và làm việc thường xuyên, trong đó có hơn 10.000 kỹ sư và chuyên viên tại chỗ. Ước tính, tổng doanh thu của các doanh nghiệp CNTT đang hoạt động tại QTSC năm 2017 đạt hơn 8.000 tỷ đồng (tăng 25,1% so với cùng kỳ), giá trị xuất khẩu đạt hơn 249 triệu USD (tăng 34,8% so với cùng kỳ).
Khu Công nghệ cao (SHTP):
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được thành lập ngày 24/10/2002, và là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Sau gần 15 năm thành lập và phát triển, SHTP đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng nhất Việt Nam cho nhà đầu tư công nghệ cao. Hiện có 134 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đạt hơn 7 tỷ USD, trong đó có các tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới như Intel (Hoa Kỳ), Nidec (Nhật Bản), Sanofi (Pháp), Datalogic (Ý), Rockwell Automation (Mỹ), cũng như các viện nghiên cứu, tập đoàn công nghệ lớn trong nước (FPT, Hutech, Nanogen…). SHTP tập trung vào 04 lĩnh vực: Vi điện tử – Công nghệ thông tin – Viễn thông; Cơ khí chính xác – Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano. Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao hiện là Ông Lê Hoài Quốc – Nguyên Phó Giám đốc Sở KH&CN.
Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (Khu NNCNC)
Thành lập năm 2004, chính thức hoạt động từ năm 2010, đây là khu NNCNC đầu tiên của cả nước. Với vai trò là hạt nhân, khu NNCNC đã và đang góp phần hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất rau an toàn tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn… với gần 330 mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, tổng diện tích canh tác hơn 145 ha. Ngoài ra, khu NNCNC TP.HCM còn xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, nông nghiệp cao như mô hình trồng hoa lan, dưa lưới, cà chua bi; mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu… Nhiều mô hình cho năng suất đạt cao hơn từ 15% – 30% so với cách thức canh tác trước đây. Trưởng ban Ban Quản lý Khu NNCNC là Ông Đinh Minh Hiệp – Nguyên Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM.
Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (ICST)
Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán đi vào hoạt động với sự tham gia của các nhà khoa học Việt kiều uy tín là lãnh đạo khoa học chủ chốt của Viện. Trong năm 2017, Viện đã đăng ký và triển khai 45 nhiệm vụ KH&CN và giải ngân 8,2 tỉ đồng cho các đề tài, dự án. Riêng trong đợt 1 năm 2018, viện đã có 17 đề tài đăng ký mới. Trong đó, Viện đã nghiệm thu 2 đề tài “Xây dựng hệ thống dự báo chất lượng không khí vùng TP.HCM” và “Phát triển phầm mềm dự báo chất lượng không khí và bản tin dự báo chất lượng không khí vùng TP.HCM”. Dự kiến năm 2018, 2 dự án trên sẽ được đưa vào triển khai ứng dụng tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017 cũng là năm bội thu các bài báo quốc tế của Viện. Số lượng bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế do các nhóm nghiên cứu của Viện công bố đạt 30 bài, gấp 2 lần so với năm 2016. Hiện Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán vẫn là đơn vị trực thuộc Sở do Phó giám đốc Nguyễn Kỳ Phùng trực tiếp phụ trách điều hành với vai trò Viện trưởng.