Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) vừa tổ chức lễ trao “Giải thưởng khoa học Đại học Tôn Đức Thắng – TDTU Prize”. Đây là giải thưởng khoa học đầu tiên của Việt Nam dành cho các nhà khoa học trên toàn cầu. Năm nay có 4 nhà khoa học hội đủ điều kiện đoạt giải, trong đó có 1 nhà khoa học Việt Nam và 3 nhà khoa học khác đến từ Canađa, Hồng Kông (Trung Quốc) và Malaixia.

TDTU Prize gồm 3 loại giải: Lifetime Achievement, Rising Star, Women in Science (Thành tựu trọn đời, Ngôi sao đang lên và giải Phụ nữ trong nghiên cứu khoa học).

Giải thưởng Lifetime Achievement
Người đoạt giải thưởng này là TS. Edward A. McBean (Canada) và TS. Nguyễn Thời Trung (Trường đại học Tôn Đức Thắng).

TS. Edward A. McBean là giáo sư Đại học Guelph, Canada. Ông sinh năm 1945 (73 tuổi), quốc tịch Canada. TS. Edward A. McBean là một chuyên gia về nước (an toàn nước và đánh giá rủi ro môi trường), có nhiều đóng góp quan trọng và cách tân trong việc đánh giá nguy cơ và quản lý môi trường. Một trong những thành tựu của ông là dùng công nghệ để cung cấp nước sạch, làm giảm chất arsenic trong nước, sáng kiến này đã được ứng dụng trên hơn 70 quốc gia trên thế giới; loại bỏ hiệu quả các mầm bệnh trong nước, cho phép cung cấp nước sạch cho người dân ở nông thôn với giá cả hợp lý cho tất cả người ở nông thôn có thể tiếp cận. Ông có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc với 245 công trình khoa học (journal article) được công bố trên các tập san quốc tế trong cơ sở dữ liệu Scopus của Hà Lan. Ông cũng đã từng được trao nhiều giải thưởng khoa học danh giá.

TS. Nguyễn Thời Trung là viện trưởng Viện khoa học tính toán của Trường đại học Tôn Đức Thắng. TS. Trung sinh năm 1976 tại TP.HCM. Năm 2014, ông được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư. Năm 2017, ông được ủy ban đề bạt và phân công chuyên môn của TDTU phân công nhiệm vụ giáo sư thực thụ qua bình duyệt của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Là chuyên gia về cơ học tính toán, TS. Trung đã có nhiều đóng góp quan trọng và cách tân trong chuyên ngành ở đẳng cấp quốc tế. Những đóng góp về phân tích cấu trúc, tối ưu hóa và “tính toán thông minh” (intelligent computation) đã gây ảnh hưởng trong chuyên ngành. Tính đến nay, TS. Trung đã công bố 100 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san khoa học có uy tín cao được liệt kê trong cơ sở dữ liệu ISI của Mỹ. Theo cơ sở dữ liệu Scopus của Hà Lan, TS. Trung đã có hơn 4176 trích dẫn khoa học, với chỉ số H là 35 (tương đương 59 trong vật lý). Đây là những thành tựu xuất sắc đối với một chuyên gia làm nghiên cứu trong điều kiện ở Việt Nam, nhưng có thể sánh với bất cứ chuyên gia nào trên thế giới. Năm 2017, TS. Trung được Trường đại học Tôn Đức Thắng tặng thưởng danh hiệu “Nhà khoa học đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu khoa học”.

Giải thưởng Rising Star
Người đoạt giải thưởng này là TS. Stephanie Kwai-Yee Ma, Trường đại học Hồng Kông. TS. Stephanie Kwai-Yee Ma sinh năm 1978, tốt nghiệp tiến sĩ từ Trường đại học Hồng Kông vào năm 2007; hiện nay là giáo sư trợ lý và trưởng labo nghiên cứu ung thư thuộc khoa y, Trường đại học Hồng Kông.

TS. Stephanie Kwai-Yee Ma có thành tựu khoa học đáng ngưỡng mộ và xứng đáng với danh hiệu “Ngôi sao đang lên”. Nhóm nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của TS. Kwai-Yee Ma đã phát hiện và định hình các tế bào ung thư gan, và triển khai các khám phá này cho điều trị trong lâm sàng. Các công trình của TS. Kwai-Yee Ma được công bố trên những tập san nổi tiếng trên thế giới như Cell Stem Cell, Gastroenterology, Cancer Research, Oncogene. Tính đến nay, TS. Kwai-Yee Ma công bố được 47 công trình nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu đã thu hút được hơn 3.357 trích dẫn, với chỉ số H là 28 theo Scopus. TS. Kwai-Yee Ma cũng đã từng được trao nhiều giải thưởng danh giá trong chuyên ngành.

Giải thưởng Women in Science
Người đoạt giải là TS. Leo Choe Peng, Trường đại học Sains Malaysia (Malaysia). TS. Leo Choe Peng sinh năm 1979, hiện là giáo sư dự bị của Trường đại học Sains Malaysia, chuyên gia về môi trường học. Tính từ năm 2006 đến nay, TS. Leo đã công bố gần 70 công trình nghiên cứu khoa học được liệt kê trong cơ sở dữ liệu Scopus, với khoảng 50% là tác giả chính. Các công trình đã thu hút hơn 963 trích dẫn, với chỉ số H là 16 theo Scopus. Chị có những đóng góp quan trọng trong chuyên ngành công nghệ membrane. Nghiên cứu của chị tập trung vào các khía cạnh kỹ thuật của sự đổi mới công nghệ membrane đối với các vấn đề công nghiệp khác nhau.

Những sáng kiến liên quan đến công nghệ membrane giúp TS. Leo được trao giải thưởng IENA (Đức, 2009), PVC’s Award in Research (Úc, 2009) và giải thưởng Young Scientist Award Agricultural (Hoa Kỳ, 2015). Chị ủng hộ gia tăng sự tham gia của thanh niên vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để đạt được sự phát triển bền vững.

Giải thưởng đầu tiên của Việt Nam dành cho các nhà khoa học trên toàn cầu
– Giải thưởng khoa học Đại học Tôn Đức Thắng – TDTU Prize do Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) khởi xướng từ năm 2016 và tổ chức xét thưởng đợt đầu tiên vào năm 2017. Đây là giải thưởng đầu tiên của Việt Nam dành cho các nhà khoa học trên toàn cầu. Phát động từ ngày 5/6 đến 1/9/2017, TDTU Prize năm 2017 đã nhận được 62 hồ sơ từ các ứng viên là những nhà khoa học từ Philipin, Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Pháp, Ý, Israel, Nga, Bỉ, Estonia, Hoa Kỳ, Iran, Nigeria, Inđônêxia, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaixia, Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam.
– TDTU Prize bao gồm 3 giải thưởng: Thành tựu trọn đời, Ngôi sao đang lên và giải Phụ nữ trong nghiên cứu khoa học. Giải thưởng Thành tựu trọn đời vinh danh các nhà khoa học có những đóng góp lớn vào sự phát triển khoa học công nghệ ở mức độ cao nhất. Giải Ngôi sao đang lên công nhận các nhà khoa học trẻ (dưới 40 tuổi), những người đã có thành tích vượt bậc trong nghiên cứu. Giải thưởng Phụ nữ trong nghiên cứu khoa học đề cao các nhà khoa học nữ, những người đã có những đóng góp quan trọng và xứng đáng trở thành hình mẫu cho các đồng nghiệp khác.

Theo KHPTO