Theo nghiên cứu mới, hàm lượng sắt tự nhiên cao hơn có thể tốt và xấu cho sức khỏe tim mạch. Một mặt, nó có thể làm giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch, nhưng mặt khác, nó có thể làm tăng nguy cơ đông máu liên quan đến giảm lưu lượng. Đây là kết luận của một nghiên cứu lớn kiểm tra mối quan hệ giữa nồng độ sắt tự nhiên của con người và 3 tiêu chuẩn để đánh giá bệnh tim mạch bao gồm: độ dày thành động mạch cảnh, huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và mảng bám động mạch cảnh.

Sự dày lên của thành mạch và sự tích tụ mảng bám trong động mạch cảnh là hai dấu hiệu của xơ vữa động mạch. DVT xảy ra khi hình thành cục máu đông (huyết khối) hình thành trong tĩnh mạch sâu. DVT thường ảnh hưởng đến các chi dưới. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, hàm lượng sắt cao hơn dường như làm tăng nguy cơ DVT nhưng lại làm giảm nguy cơ mảng bám động mạch cảnh. Bên cạnh đó, không có ảnh hưởng đáng kể đến độ dày thành động mạch cảnh. Những phát hiện này công bố trên tạp chí Journal of the American Heart Association mới đây. Tác giả nghiên cứu cho biết: Những kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đây cho thấy tình trạng chất sắt cao hơn có vai trò bảo vệ xơ vữa động mạch nhưng làm tăng nguy cơ huyết khối liên quan đến ứ máu.

Nghiên cứu này thuộc một trong chuỗi nghiên cứu do các nhà khoa học từ Trường Đại học Imperial College London (Vương quốc Anh) dẫn đầu. Trong các nghiên cứu này, các nhóm nghiên cứu quốc tế sử dụng dữ liệu di truyền của 500.000 người để xem xét các liên kết giữa mức độ sắt với hơn 900 chứng bệnh.

Các nhà nghiên cứu đang sử dụng một công cụ gọi là phương pháp phân tích ngẫu nhiên Mendelian (MR) để kiểm tra mối liên hệ giữa nồng độ sắt tự nhiên của người dân và nguy cơ mắc bệnh.

Các tác giả của nghiên cứu mới này cho rằng điểm mạnh của phương pháp phân tích MR là nó có thể khắc phục một số vấn đề mà các nghiên cứu quan sát gặp phải với các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn – có thể làm mờ việc phân tích các nguyên nhân hiệu ứng quan sát được.

Họ lưu ý, dấu ấn sinh học của tình trạng sắt có liên quan đến các bệnh lý khác, bao gồm viêm, bệnh gan, suy thận và ác tính, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến quá trình quan sát mối liên quan với bệnh huyết khối.

 

Bằng việc tìm kiếm dữ liệu ADN trên gần 49.000 người gốc châu Âu, họ đã tìm thấy các dấu hiệu di truyền có tương quan với mức độ sắt tự nhiên cao hơn.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các dấu hiệu mức độ sắt ADN để sàng lọc các bộ dữ liệu khác của hàng chục nghìn người để tìm kiếm các mối liên quan đến độ dày thành động mạch cảnh, DVT và mảng bám động mạch cảnh.

‘Vai trò tương phản’ của tình trạng sắt

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tác động đến mạch máu. Nó có thể làm gây ra bệnh tim, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên.

Quá trình xơ vữa động mạch bắt đầu khi cholesterol và các chất béo khác lắng đọng trong thành động mạch và phát triển thành xơ vữa. Chúng cuối cùng có thể vỡ và dẫn đến đông máu cục bộ.

Các cục máu đông có thể gây hạn chế một phần hoặc hoàn toàn lưu lượng máu và gây ra đột quỵ hoặc đau tim, tùy thuộc vào động mạch mà nó ảnh hưởng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những phát hiện của họ cung cấp bằng chứng về “vai trò tương phản” của nồng độ sắt tự nhiên cao hơn đối với “các quá trình hình thành các bệnh huyết khối khác nhau”.

Tiến sĩ Dipender Gill, Trường Đại học Y tế công cộng thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn, tác giả nghiên cứu, suy đoán rằng những phát hiện này có thể mở ra những con đường mới cho các nghiên cứu tiếp theo.

Nó có thể giúp giải quyết nhiều câu hỏi chưa được trả lời, chẳng hạn như chất sắt ảnh hưởng đến cholesterol, ảnh hưởng đến sự hình thành cục máu đông và thúc đẩy thu hẹp động mạch như thế nào.

Nghiên cứu mới, giống như các nghiên cứu khác trong loạt nghiên cứu, chỉ điều tra mức độ sắt tự nhiên của mọi người bằng cách sử dụng các dấu hiệu di truyền của họ. Nó không điều tra những tác động của việc bổ sung sắt.

Tiến sĩ Gill cũng nói rằng mọi người nên nói chuyện với bác sĩ trước khi họ bắt đầu dùng hoặc ngừng dùng thuốc bổ sung sắt.

Sắt là một khoáng chất quan trọng trong cơ thể và rất cần thiết để mang oxy đi khắp cơ thể. Tuy nhiên,lượng chất sắt thích hợp trong cơ thể là một sự cân bằng tốt. Nếu quá ít có thể dẫn đến thiếu máu, nhưng quá nhiều có thể dẫn đến một loạt các vấn đề bao gồm tổn thương gan”, ông giải thích.

P.T.T (NASATI), theo https://www.medicalnewstoday.com/articles/325788.php