Các nhà khoa học Canada đã sử dụng một loại nước súc miệng đơn giản để xem xét mối liên hệ giữa nồng độ bạch cầu (dấu hiệu viêm nướu) trong nước bọt của những người trưởng thành khỏe mạnh với các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch. Kết quả là nồng độ bạch cầu cao có liên quan đến sự giãn mạch qua trung gian dòng chảy bị tổn thương, cảnh báo sớm về tình trạng sức khỏe động mạch kém.
- Trevor King tại Đại học Mount Royal và là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Ngay cả ở những người trưởng thành trẻ tuổi khỏe mạnh, mức độ viêm nhiễm trong miệng thấp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Bắc Mỹ”.
Chăm sóc răng miệng vì sức khỏe tim mạch
Viêm nha chu là bệnh nhiễm trùng nướu phổ biến, trước đây có liên quan đến sự phát triển của bệnh tim mạch: Các nhà khoa học nghi ngờ rằng những yếu tố gây viêm có thể xâm nhập vào máu qua nướu và gây tổn thương hệ thống mạch máu. Vì thế, TS. King cùng các cộng sự đã bắt đầu nghiên cứu những người trẻ khỏe mạnh hiện không được chẩn đoán mắc các bệnh về nha chu để xác định liệu mức độ viêm nhiễm trong miệng thấp có liên quan đến sức khỏe tim mạch hay không. Kết quả phát hiện nhiều mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nhóm nghiên cứu đã chọn tốc độ sóng xung có thể đo độ cứng của động mạch và sự giãn mạch qua trung gian dòng chảy, thước đo mức độ giãn nở của các động mạch cho phép lưu lượng máu lưu thông cao hơn (chỉ số chính về nguy cơ mắc bệnh tim mạch). Các biện pháp này đo lường trực tiếp sức khỏe động mạch: các động mạch cứng và hoạt động kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người bệnh.
Nghiên cứu có sự tham gia của 28 người không hút thuốc trong độ tuổi từ 18 đến 30, không có bệnh lý đi kèm hoặc dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và không có tiền sử bệnh nha chu. Họ được yêu cầu nhịn ăn trong sáu giờ, nhưng vẫn được uống nước, trước khi đến phòng thí nghiệm.
Tại phòng thí nghiệm, những người tham gia súc miệng bằng nước trước khi súc miệng bằng nước muối được thu thập để phân tích. Sau đó, họ nằm xuống trong 10 phút để đo điện tâm đồ và nằm thêm 10 phút nữa để các nhà khoa học đo huyết áp, sự giãn mạch qua trung gian dòng chảy và tốc độ sóng xung.
Michael Glogauer tại Đại học Toronto, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Thử nghiệm súc miệng có thể được sử dụng khi bạn kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm do bác sĩ gia đình hoặc nha sĩ chỉ định. Thật dễ dàng triển khai như một công cụ đo lường tình trạng viêm miệng tại bất kỳ phòng khám nào“.
Cốt lõi của vấn đề
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng nồng độ tế bào bạch cầu cao trong nước bọt có mối quan hệ mật thiết với sự giãn mạch kém của dòng chảy qua trung gian. Vì thế, những người xuất hiện tình trạng này, có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Tuy nhiên, không có mối liên hệ giữa các tế bào bạch cầu và tốc độ sóng xung, do đó, tác động lâu dài đến sức khỏe của các động mạch vẫn chưa xuất hiện.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết tình trạng viêm miệng, xâm nhập vào hệ thống mạch máu, ảnh hưởng đến khả năng sản sinh oxit nitric của các động mạch, cho phép chúng phản ứng với những thay đổi lưu lượng máu. Lượng tế bào bạch cầu cao có thể tác động lớn đến rối loạn chức năng mạch máu; nồng độ được tìm thấy ở những người tham gia thường không được coi là có ý nghĩa lâm sàng.
King cho rằng: “Vệ sinh răng miệng tối ưu luôn được khuyến nghị, ngoài việc đến nha sĩ thường xuyên, đặc biệt là khi có bằng chứng này. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu thí điểm. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng thêm số lượng người tham gia nghiên cứu và đánh giá những kết quả đó. Hy vọng nghiên cứu ttrong ương lai có sự tham gia của nhiều người bị viêm nướu và viêm nha chu tiến triển sẽ giúp tìm hiểu sâu hơn về tác động của các mức độ viêm nướu khác nhau đến tim mạch“.
N.P.D (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2023-08-simple-mouth-early-heart-disease.html, 18/8/2023 (vista.gov.vn)