Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Virginia Commonwealth, Hoa Kỳ, những người khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ và thức dậy quá sớm dễ bị đột quỵ. Nguy cơ này đặc biệt cao hơn nhiều ở những người dưới 50 tuổi. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Neurology.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới không chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa chứng mất ngủ và đột quỵ, mà chỉ ra mối liên hệ đó. Wendemi Sawadogo, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Có nhiều liệu pháp giúp mọi người cải thiện chất lượng giấc ngủ, do đó, việc xác định rối loạn giấc ngủ nào dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ có thể cho phép điều trị sớm hoặc áp dụng liệu pháp hành vi cho những người khó ngủ và có thể giảm nguy cơ đột quỵ về sau này”.
Các nhà khoa học đã đánh giá thông tin sức khỏe của 31.126 người trong độ tuổi trung bình là 61, không có tiền sử đột quỵ khi bắt đầu tham gia nghiên cứu. Những người tham gia trả lời bốn câu hỏi về tần suất họ khó đi vào giấc ngủ, khó thức dậy vào ban đêm, khó thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại, cũng như tần suất họ cảm thấy thư giãn vào buổi sáng.
Các lựa chọn phản hồi bao gồm “hầu hết thời gian”, “đôi khi” hoặc “hiếm khi hoặc không bao giờ” và điểm số cho những phản hồi này dao động khoảng từ 0 đến 8. Điểm số cao hơn có nghĩa là các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Sau đó, những người tham gia được theo dõi trung bình trong 9 năm, trong đó có 2.101 trường hợp đột quỵ được báo cáo.
Phân tích đã xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ, bao gồm sử dụng rượu, hút thuốc và tần suất hoạt động thể chất. Kết quả cho thấy những người có từ 1 đến 4 triệu chứng, có nguy cơ đột quỵ cao hơn 16% so với những người không có triệu chứng. Trong số 19.149 người có từ 1 đến 4 triệu chứng, các nhà khoa học phát hiện 1.300 người bị đột quỵ. Theo nghiên cứu, trong số 6.282 người báo cáo không có triệu chứng, 365 người bị đột quỵ.
Những người có từ 5 đến 8 triệu chứng mất ngủ có nguy cơ gia tăng đột quỵ hơn 50% trong khi ở những người có từ 5 đến 8 triệu chứng (5.695 người), 436 người bị đột quỵ. Mối liên hệ này được thể hiện rõ ràng hơn ở những người tham gia dưới 50 tuổi với những người trải qua 5 đến 8 triệu chứng, có nguy cơ đột quỵ cao gấp gần 4 lần so với những người không có triệu chứng.
1. Sawadogo cho biết: “Danh sách các yếu tố nguy cơ đột quỵ như huyết áp cao và tiểu đường có thể tăng lên khi mọi người già đi, khiến các triệu chứng mất ngủ trở thành một trong nhiều yếu tố nguy cơ. Sự khác biệt nổi bật này cho thấy việc kiểm soát các triệu chứng mất ngủ ở độ tuổi trẻ hơn có thể là chiến lược hiệu quả để phòng ngừa đột quỵ”. Nguy cơ này cũng tăng cao ở những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim và trầm cảm.
Nghiên cứu vẫn còn hạn chế, đó là những người tham gia báo cáo các triệu chứng mất ngủ của chính họ, nên thông tin có thể không chính xác. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng bằng chứng mới đủ để tiến hành nghiên cứu sâu hơn nhằm tìm cách giảm nguy cơ đột quỵ thông qua kiểm soát giấc ngủ.
N.P.D (NASATI), https://www.independent.co.uk/news/science/insomnia-stroke-risk-increase-link-b2353707.html, 6/2023