Các nhà nghiên cứu Trường Đại học Nottingham đã phát hiện ra một loại thuốc có đặc tính kháng vi-rút mới, có thể có tác động lớn trong việc quản lý kiểm soát các bệnh dịch/đại dịch trong tương lai, bao gồm COVID-19.
Nghiên cứu này, được công bố trên tạp chí Virus mới đây, cho thấy thapsigargin là thuốc kháng virus phổ rộng đầy hứa hẹn, có hiệu quả cao chống lại virus COVID-19 (SARS-CoV-2), coronavirus cảm lạnh thông thường, virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus cúm A.
Thông thường, nhiễm vi rút đường hô hấp cấp tính gây ra bởi các chủng vi rút khác nhau thường rất khó có thể phân biệt được về mặt lâm sàng vì thế thuốc kháng sinh phổ rộng hiệu quả có thể nhắm vào các loại vi rút khác nhau cùng lúc do đó có thể cải thiện đáng kể việc quản lý lâm sàng. Thuốc kháng vi-rút thuộc loại này có thể luôn sẵn sàng cung ứng cho cộng đồng sử dụng để kiểm soát sự lây nhiễm và sự lây lan của vi rút.
Công trình nghiên cứu là dự án hợp tác, đứng đầu bởi Giáo sư Kin-Chow Chang và các chuyên gia tại Đại học Nottingham (Trường Đại học Khoa học và Thú y, Khoa học Sinh học, Dược, Y học và Hóa học) cùng các đồng nghiệp tại Cơ quan Sức khỏe động thực vật (APHA), Trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc và Viện Pirbright.
Trong nghiên cứu mang tính đột phá này, nhóm chuyên gia đã phát hiện thấy chất kháng vi-rút có nguồn gốc thực vật, với liều lượng nhỏ, nó có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch bẩm sinh kháng vi-rút phổ rộng, tập trung vào vật chủ có hiệu quả cao, chống lại ba loại vi-rút hô hấp chính ở người – bao gồm cả COVID-19.
Các tính năng chính dựa trên nghiên cứu tế bào và động vật, làm cho thapsigargin trở thành một chất kháng vi-rút đầy hứa hẹn đó là:
* Có hiệu quả chống lại nhiễm vi rút khi được sử dụng trước hoặc trong khi nhiễm trùng.
* Có thể ngăn chặn vi-rút tạo ra các bản sao mới của chính nó trong tế bào trong ít nhất 48 giờ sau 30 phút tiếp xúc riêng.
* Ổn định Axit dạ dày (pH dạ dày) trong dạ dày do đó có thể được dùng bằng đường uống, có thể được sử dụng mà không cần phải tiêm hoặc nhập viện.
* Không nhạy cảm với sự kháng vi rút.
* Hiệu quả hơn ít nhất vài trăm lần so với các phương án kháng vi-rút hiện tại.
* Hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm kết hợp giữa coronavirus và virus cúm A cũng như trong trường hợp nhiễm virus đơn lẻ.
* An toàn như một chất kháng vi-rút (một dẫn xuất của thapsigargin đã được thử nghiệm trong ung thư tuyến tiền liệt).
Giáo sư Chang cho biết: “Mặc dù chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu về loại thuốc kháng vi-rút này và xem xét những tác động của nó đối với cách điều trị các loại vi-rút như COVID-19, nhưng những phát hiện này có ý nghĩa rất lớn”.
“Đại dịch hiện tại nhấn mạnh sự cần thiết phải có thuốc kháng vi-rút hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm trùng tích cực, cũng như vắc-xin, để ngăn ngừa bệnh lây nhiễm. Các đại dịch trong tương lai cũng có thể có nguồn gốc từ động vật, lây từ động vật sang người và truyền từ động vật sang người (hoặc từ người sang động vật) do đó một thế hệ thuốc kháng vi-rút mới, chẳng hạn như thapsigargin, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm vi-rút quan trọng cho cả người và động vật”.
Thực tế, vi rút cúm, coronavirus và RSV là những tác nhân gây bệnh toàn cầu cho người cũng như động vật. Thapsigargin đại diện cho một hợp chất dẫn đầu trong việc phát triển một thế hệ mới của thuốc kháng vi-rút mạnh tập trung vào vật chủ (trái ngược với các loại thuốc kháng vi-rút thông thường nhắm trực tiếp vào vi-rút), thậm chí có thể được áp dụng theo phương pháp “One Health” toàn diện (đây là giải pháp phối hợp hành động giữa các ngành như y tế, thú y và môi trường) để kiểm soát vi-rút ở người và động vật.
Giáo sư Chang nói thêm: “Mặc dù cần thiết phải thực hiện thử nghiệm nhiều hơn, nhưng những phát hiện hiện tại chỉ ra rằng thapsigargin và các dẫn xuất của nó là những phương pháp điều trị kháng vi-rút đầy hứa hẹn chống lại COVID-19 và vi-rút cúm, và có khả năng bảo vệ chúng ta chống lại đại dịch Bệnh X tiếp theo”.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2021-02-scientists-uncover-potential-antiviral-treatment.html, 2/2/2021