Cá bông lau (Pangasius krempfi Fang và Chaux), lươn đồng (Monopterus albus Zuiew) và bống tượng (Oxyeleotris marmoratus Bleeker) là các loài cá bản địa rất quý, thịt ngon, được nhiều người ưa thích, giá trị kinh tế rất cao. Sản lượng cá thương phẩm chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên. Nghề nuôi các loài cá này hầu như chưa phát triển do nguồn cá giống ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm. Hiện nay, sản lượng khai thác ngoài tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng do sự đánh bắt thiếu kiểm soát và nhiều vùng cư trú, dinh dưỡng, bãi đẻ của các loài cá bị huỷ hoại hoặc chịu sự tác động của con người.

Cá bông lau thuộc họ cá tra Pangasiidae, có kích thước lớn, có thể đạt đến 7 – 10 kg/con, thịt ngon, giá trị kinh tế cao, được khai thác tập trung ở vùng Vàm Nao, An Giang với sản lượng lớn vào tháng 12 – 5 hàng năm cũng như vùng nước lợ mặn cửa sông Trần Đề thuộc Sóc Trăng Poulsen và ctv 2004 . Giá cá bông lau trên thị trường gấp 3 – 4 lần so với cá tra nuôi. Hiện nay, cá hoàn toàn được khai thác từ tự nhiên và sản lượng ngày càng giảm. Đây là loài cá có tiềm năng nuôi lớn do là loài ăn tạp và được người tiêu thụ ưa chuộng. Trở ngại lớn nhất là chưa có nguồn cung cấp giống. Cacot, P 2004 đã nghiên cứu kích thích cho cá bông lau đánh bắt ngoài tự nhiên sinh sản, kết quả bước đầu cá sinh sản thành công nhưng cá bột chỉ đạt đến 2 ngày tuổi. Leng Bun Long 2005 cũng đã thử nghiệm kích thích cho cá bông lau sinh sản nhân  tạo với nhiều loại và lượng kích thích tố khác nhau, nhưng toàn bộ các lô thí nghiệm đều không thành công.

Trong chương trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 và Chương trình Thuỷ sản Ủy hội sông Mêkông thông qua Dự án “Nuôi các loài cá bản địa của sông Mê Kông” Aquaculture of Indigenous Mekong Fish Species, AIMS, Huỳnh Hữu Ngãi (2008, 2009 và 2010 , đã bước đầu nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công loài cá này. Tuy nhiên, các thông số kỹ thuật đạt được còn thấp, số lượng con giống sản xuất được chưa nhiều. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình với quy mô sản xuất, đủ con giống cung cấp cho người nuôi. Vì là loài mới chưa được nuôi thương phẩm rộng rãi nên cần xây dựng mô hình nuôi để phát triển đối tượng này.

 

Lươn là loài động vật thủy sản bản địa quý, có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao. Lươn còn lược dùng như một loại dược liệu chữa một số bệnh của con người theo y học dân tộc. Lươn được chế biến ra nhiều món ăn ngon, đa dạng theo từng địa phương. Ở Đồng bằng sông Cửu Long  ĐBSCL , lươn được khai thác quanh năm bằng các  hình thức đặt trúm, câu, đáy, xúc, bắt bằng tay và đóng chà ven sông. Nhiều nước trên thế giới đã và đang là thị trường tiêu thụ lươn làm thực phẩm khá lớn như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật, Mỹ, v.v…

Hiện nay nuôi lươn thương phẩm lại đang phát triển ở nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng như trên cả nước. Tại tỉnh An Giang, riêng huyện Châu Phú đã có hơn 200 hộ nuôi lươn thương phẩm, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn lươn thịt. Có thể nuôi lươn trong bể xi măng, bể đất, trong ao, mương, ruộng..Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã nghiên cứu cho sinh sản thành công lươn đồng quy mô nông hộ 2006 . Quy trình sản xuất lươn đồng đã được chuyển giao cho Trung tâm Giống Thủy sản An Giang. Sản xuất giống thành công sẽ giúp phát triển nghề nuôi lươn. Đỗ Thị Thanh Hương và ctv (2008), Trần Thị Hồng(2010 cũng đã nghiên cứu thành công cho sinh thành công lươn đồng, Tuy nhiên nguồn lươn giống hiện nay vẫn chủ yếu phải thu gom trong tự nhiên, giống từ sản xuất nhân tạo chưa đáng kể Vì vậy việc hoàn thiện và mở rộng chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất giống lươn đồng cho các trung tâm giống và các hộ nuôi lươn là rất cần thiết nhằm chủ động cung cấp nguồn giống lươn khoẻ mạnh cho người nuôi.

Cá bống tượng là các loài cá bản địa rất quý, thịt ngon, được nhiều người ưa thích, giá trị kinh tế rất cao. Trong các năm gần đây cá bống tượng được nuôi nhiều ở các tỉnh ĐBSCL. Phạm Văn Khánh 1999, Nguyễn Hữu Tân 1992 và 1993 đã nghiên cứu thành công sản xuất cá bông tượng. Tuy nhiên nghề nuôi cá bống tượng không phát triển mạnh được do thiếu con giống. Năm 2005 – 2006 Phân viện Nghiên cứu Thủy sản thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã nghiên cứu thành công sản xuất và ương nuôi giống cá bống tượng đạt tỷ lệ sống cao, Thiều Lư 2006. Tuy nhiên đến nay chưa có điều kiện để hoàn thiện qui trình và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống trong khu vực.

Về mặt ưu điểm là trước đây 3 đối tượng cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng, đã được nhiều công trình nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh sản, sản xuất giống nhân tạo cho ra sản phẩm con giống góp phần cung cấp phần nào con giống cho người nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số nhược điểm là các khâu kỹ thuật chưa được hoàn thiện, chưa xây dựng được quy trình sản xuất giống, cũng như chưa đào tạo cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chủ cơ sở sản xuất cá giống về công nghệ sản xuất giống 3  đối tượng trên để mở rộng quy mô phát triển. Cho nên việc hình thành và phát triển dự án “Phát triển giống một số loài thủy sản bản địa quý hiếm” do ThS. Huỳnh Hữu Ngãi làm chủ nhiệm bao gồm cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng là cần thiết và có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội.

Mục tiêu chung của dự án là nhằm hoàn thiện và xây dựng thành công mô hình trình diễn về công nghệ sản xuất giống một số loài thủy sản bản địa có giá trị cao tạo ra sản phẩm hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học khu hệ cá địa phương.

Một số kết quả đạt được của Đề tài bao gồm:

 

  • Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống: Đã hoàn thiện thành công ba quy trình công nghệ sản xuất của ba đối tượng cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng, các chỉ tiêu kỹ thuật đều được cải thiện đạt tỷ lệ cao hơn so với các kết quả đã được nghiên cứu trước đây.
  • Xây dựng mô hình sản xuất giống: Đã sử dụng đàn cá bông lau, bống tượng, lươn bố mẹ tập hợp và thế hệ F1 đàn con của cá, lươn ban đầu từ nội dung hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, tập hợp thêm đàn cá bông lau, bống tượng, lươn bố mẹ của nội dung này đạt tỷ lệ sống cao. Các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt yêu cầu so đề cương, xây dựng thành công mô hình sản xuất cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng.
  • Tập huấn sản xuất giống: Tổ chức ba lớp tập huấn sản xuất giống cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng thành công với 91 học viên là cán bộ kỹ thuật, chủ các cơ sở sản xuất giống tư nhân tham dự. Trên 50% học viên sau khi được tập huấn đã về địa phương hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất giống, nuôi cá, lươn, hoặc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất tại cở sở với quy mô nông hộ.
  • Về quản lý, tổ chức thực hiện, tác động của dự án: Dự án được quản lý một cách chặt dưới sự chỉ đạo, giám sát của Lãnh đạo Viện 2 và của Lãnh đạo Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản Nước ngọt, cũng như Lãnh đạo của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Minh Hải. Dự án đã hoàn thiện và xây dựng được các công nghệ sản xuất giống cá bông lau, lươn đồng, cá bống tượng, chủ động cung cấp con giống cho người nuôi. Ngoài ra còn đào tạo cho một số cán bộ kỹ thuật và chủ cơ sở sản xuất giống phát triển mở rộng phạm vi sản xuất.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14000) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.K.L (NASATI)