Phạm Văn Tân – Tổng Thư ký LHH Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

(Theo Đất Việt) – Sáng 10/4, Liên Hiệp hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo chiến lược phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ giai đoạn 2018-2030”.

Hội thảo khoa học do TS. Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký LHH Việt Nam và TS. Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch LHH Việt Nam chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Văn Tân , hoạt động sở hữu trí tuệ là một hoạt động rất quan trọng của khoa học- công nghệ, vốn đang ngày càng góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Dẫn ví dụ về cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay xuất phát bản chất là cuộc tranh luận về sở hữu trí tuệ, ông Tân nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động sở hữu trí tuệ.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và muốn thông qua cuộc hội thảo này nhằm ghi nhận những đóng góp của giới trí thức LHH Việt Nam về bản dự thảo Chiến lược này.

Ông Nguyễn Văn Bảy – Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN) cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng hệ thống thể chế tương đối hoàn thiện trong những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, gồm luật, nghị định, thông tư.

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ KHCN xây dựng “Chiến lược phát triển Sở hữu trí tuệ quốc gia”. Chiến lược này đề ra mục tiêu, cách thức, giải pháp để góp phần phát triển kinh tế- xã hội nói chung và phục vụ cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 gồm: Đưa hệ thống sở hữu trí tuệ trở thành công cụ chủ lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm tạo ra tài sản trí tuệ, góp phần đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm mới và sáng tạo, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo, GS. TS. Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng, xây dựng Chiến lược phát triển hoạt động Sở hữu trí tuệ là rất cần thiết tuy nhiên bản dự thảo Chiến lược do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN xây dựng chưa làm rõ được mục tiêu của chiến lược. Nội dung của dự thảo Chiến lược chưa nêu rõ được các khái niệm, đối tượng cũng như các nhiệm vụ đặt ra vẫn còn chung chung, rất khó để thực hiện. Cần làm rõ: Sở hữu trí tuệ là gì, hoạt động sở hữu trí tuệ là gì, Chiến lược được xây dựng để làm gì, từ đó mới xác định các nhiệm vụ cụ thể.

PGS.TS. Đoàn Năng- nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế – Bộ KH&CN thì cho rằng điều quan trọng nhất đối với việc phát triển các hoạt động về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam là xã hội hóa. Trong giai đoạn hiện nay, ở đâu cũng cần xã hội hóa nhưng đâu đâu cũng thấy có sự vào cuộc của Nhà nước, của ngân sách. Đó là lý do vì sao bộ máy càng cần giảm thiểu lại càng phình to.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam được đánh giá là đầy đủ, chi tiết nhưng thực tế thì không thực hiện tốt.

Trong khi đó, phần nội dung của dự thảo Chiến lược chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương mà chưa có vai trò tự quản lý của các tổ chức, cá nhân.

“Chúng ta có nhiều sản phẩm sáng tạo nhưng hiện nay, chúng ta chưa biết bảo vệ nó. Đây là công việc chung, không phải cứ quản lý là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là của cả doanh nghiệp, của bản thân người sở hữu sản phẩm trí tuệ, sáng tạo đó. Cần xác định nhiệm vụ cụ thể hơn cho các đối tượng này” – ông Đoàn Năng nhận định.

ông Nguyễn Mạnh Hùng: Sản phẩm trí tuệ có bao gồm sản phẩm sáng tạo của người lao động không?

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), dự thảo Chiến lược chưa nêu rõ được các sản phẩm trí tuệ là sản phẩm gì, sản phẩm đó có điều kiện như thế nào, sản phẩm trí tuệ và sản phẩm sáng tạo, sản phẩm văn học, nghệ thuật có được coi là hoạt động sở hữu trí tuệ không? Có được bảo vệ và được hưởng quyền lợi như thế nào, trách nhiệm có tương đương với các sản phẩm trí tuệ trong lĩnh vực KHCN không?

“Tôi đã tham gia nhiều sản phẩm sáng tạo đạt giải cao là sản phẩm khoa học của người lao động mà thậm chí các nhà khoa học, các chuyên gia cũng chưa làm ra các sản phẩm như vậy. Vậy dự thảo Chiến lược cần mở rộng phạm vi, đối tượng, sản phẩm trí tuệ ở mọi lĩnh vực để có bức tranh toàn cảnh hơn” – ông Hùng nhận định.

Trong khi thực tế hiện nay, vi phạm về sở hữu trí tuệ, sở hữu thương hiệu đang tràn lan. Việc hàng giả, hàng nhái tràn lan khiến người tiêu dùng Việt không được lựa chọn các sản phẩm chất lượng đúng với những tuyên bố sở hữu trí tuệ.

Thôi đặt mục tiêu quá cao sáng tạo đứng Top ASEAN

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng thì cho rằng, dự thảo Chiến lược nên phản ánh rõ nét hơn bối cảnh hiện nay về vấn đề sở hữu trí tuệ. Theo ông Dinh, trong xã hội VN chưa hình thành rõ tập quán tôn trọng sở hữu trí tuệ. Hiện tượng vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam rất phổ biến. Bên cạnh đó, vấn đề hội nhập của Việt Nam đang vướng ở vấn đề sở hữu trí tuệ. Đây là một thách thức đối với Việt Nam khi tham gia vào sân chơi thế giới.

Ông Dinh đánh giá, dự thảo chiến lược chưa có một mục tiêu kiên quyết, một giải pháp đột phá nào để đạt được trong tương lai gần 5 năm, 10 năm.

Cùng quan điểm như vậy, TS. Phạm Sĩ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, tại các nước trên thế giới như Trung Quốc, mục tiêu về sở hữu trí tuệ của họ rất rõ ràng chứ không đặt mục tiêu xếp hạng đứng sau Singapore, xếp hạng thứ 2 Đông Nam Á hay đứng đầu nhóm CLMV… như lâu nay nhiều Chiến lược phát triển vẫn nhận định.

“Trung Quốc đặt ra mục tiêu từ 2015-2020, phải đạt được 14 bằng sáng chế/ 1 vạn dân và có 75.000 bằng sáng chế được công nhận quốc tế. Thời hiệu của bằng sáng chế trong nước có thời hạn 9 năm, việc đầu tư dựa trên việc sở hữu trí tuệ đạt 180 tỷ nhân dân tệ. Nếu có các mục tiêu định tính như vậy, Việt Nam sẽ dễ hình dung và có thành tựu trông thấy ngay chứ không mơ màng, chung chung nữa” – TS. Phạm Sĩ Liêm nhận định.

Phạm Sĩ Liêm: Có nên đặt mục tiêu có bao nhiêu bằng sáng chế cho 1 vạn dân như Trung Quốc đang làm?

Cũng phát biểu tại Hội thảo, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, việc tổ chức thực hiện là một khâu còn yếu ở Việt Nam mà trong dự thảo chiến lược này cũng chưa được đề cập cụ thể. Nếu không làm rõ, dự thảo chiến lược này cũng sẽ lâm vào tình trạng “bỏ không” giống như các chiến lược đang dang dở khác. Cùng với đó, không nên đặt mục tiêu quá cao, so sánh nước ta với nước khác bởi nếu việc quá áp lực sẽ không đi tới công việc nào.

Ông Lưu Bích Hồ cũng nêu lên một thực trạng là nhiều công trình khoa học nếu gửi ra nước ngoài thì được công nhận, nhưng nếu gửi công trình khoa học đó ở các cơ quan trong nước, có khi lại không được công nhận. Đây là một vấn đề lớn cần phải đặt câu hỏi cho các cơ quan chức năng.

Theo ý kiến của bà Bùi Thị An – nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, hiện nay, vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn còn mơ hồ đối với người dân. Dự thảo chiến lược chưa đánh giá được tác động, hệ lụy của hoạt động sở hữu trí tuệ đối với các vấn đề trong đời sống để người dân tích cực tham gia, cùng bảo vệ các sản phẩm trí tuệ. Bà An nêu ví dụ, hiện trạng các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ như hàng giả, hàng nhái từ thuốc y tế giả, rượu giả.. gây hậu quả chết người. Đây là lỗi quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên dự thảo chiến lược cũng chưa nêu được hướng giải quyết nội dung này.

Phát biểu cuối hội thảo, ông Nguyễn Văn Bảy cảm ơn các ý kiến cụ thể, đi sâu vào đánh giá các nội dung của bản dự thảo Chiến lược, buổi hội thảo mang tính chất hữu nghị, đóng góp ý kiến của giới trí thức Việt Nam đối với sự nghiệp chung.