Từ năm 2016 đến năm 2020, PGS. TS. Phan Thị Phượng Trang cùng với các cộng sự tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học thuộc trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Phát triển vector biểu hiện sáp nhập vào bộ gene cảm ứng bằng IPTG và vector biểu hiện không cảm ứng dựa trên promoter Pgrac cho Bacillus subtilis”.

Mục tiêu của đề tài nghiên cứu là tạo các nhóm vector biểu hiện mới cho B. subtilis dựa trên họ promoter Pgrac và Pspac. Mục tiêu cụ thể của đề tài là phát triển ba nhóm vector (i) vector biểu hiện sáp nhập cảm ứng bằng IPTG, (ii) plasmid biểu hiện không cảm ứng và (iii) vector biểu hiện sáp nhập không cảm ứng. Các plasmid biểu hiện không cảm ứng và vector biểu hiện sáp nhập cảm ứng và không cảm ứng cho phép kiểm soát sự biểu hiện protein ở E. coli (giúp dòng hóa dễ dàng) và biểu hiện các protein trong B. subtilis mà không cần sử dụng chất cảm ứng.

Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:

(1) Về nội dung nghiên cứu tạo vector biểu hiện sáp nhập được cảm ứng bởi IPTG:

– Đã thiết kế được các vector mang các promoter Pgrac01, Pgrac57, Pgrac100, Pgrac212 và Pspac; đã tạo được chủng B. subtilis;

– Đã khảo sát hoạt tính cảm ứng biểu hiện GFP và BgaB;

– Đã đánh giá sự biểu hiện bằng SDS-PAGE Kết quả có khả năng ứng dụng để tạo ra các vector biểu hiện cơ bản, làm công cụ cho việc phát triển các sản phẩm liên quan đến công nghệ sinh học phân tử.

(2) Về nội dung nghiên cứu tạo các plasmid biểu hiện không cảm ứng:

– Đã thiết kế được các vector mang các promoter Pgrac01, Pgrac57, Pgrac100, Pgrac212 và Pspac;

– Đã tạo được chủng B. subtilis; đã khảo sát hoạt tính cảm ứng biểu hiện GFP và BgaB;

– Đã đánh giá sự biểu hiện bằng SDS-PAGE.

(3) Về nội dung nghiên cứu tạo các vector biểu hiện sáp nhập tự cảm ứng:

– Đã thiết kế được các vector mang các promoter Pgrac01, Pgrac57, Pgrac100, Pgrac212 và Pspac;

– Đã tạo được chủng B. subtilis có khả năng tự cảm ứng;

– Đã khảo sát hoạt tính cảm ứng biểu hiện GFP và BgaB;

– Đã đánh giá sự biểu hiện bằng SDS-PAGE Kết quả có khả năng ứng dụng để tạo ra các vector biểu hiện cơ bản, làm công cụ cho việc phát triển các sản phẩm liên quan đến công nghệ sinh học phân tử.

Kết quả của đề tài đã góp phần vào việc phát triển hệ thống vector biểu hiện ở mức độ thấp sử dụng promoter Pspac cho B. subtilis phục vụ cho nghiên cứu cơ bản.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17636/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)