Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Burns & Trauma, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Shimane, Nhật Bản tiết lộ những phương thức mới triển vọng để ngăn ngừa sẹo để lại trên da sau chấn thương.

Dù sẹo thường gặp khi vết thương lành lại, nhưng sẹo phì đại là tình trạng da có sự tích tụ quá nhiều collagen. Đây là nguyên nhân khiến cho sẹo dày và thường nổi lên. Tuy nhiên, cơ chế phát triển sẹo phì đại chưa được xác định rõ. Nghiên cứu mới xem xét các chiến lược để điều trị sẹo phì đại.

Chữa lành vết thương ngoài da là quá trình bao gồm ba giai đoạn: viêm, tăng sinh và tái tạo. Sự hình thành sẹo phì đại có thể xảy ra do sự bất thường trong các quá trình này. Tần suất để lại loại sẹo này dao động từ 40% đến 94% sau phẫu thuật và từ 30% đến 91% sau khi bị bỏng.

Các yếu tố nguy cơ chính của sự hình thành sẹo phì đại bao gồm giới tính, tuổi tác, khuynh hướng di truyền, kích thước và độ sâu vết thương, vị trí giải phẫu và căng cơ trên vết thương. Sẹo gây cản trở chức năng bình thường và rõ ràng gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thể chất, tâm lý và thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Thời gian lành vết thương là yếu tố quan trọng nhất để dự đoán sự phát triển của sẹo phì đại. Chỉ 1/3 vết thương đã phát triển mô sẹo nếu quá trình hàn gắn vết thương xảy ra trong khoảng từ 14 – 21 ngày. Khoảng 78% vị trí phát dẫn đến sẹo nghiêm trọng nếu vết thương lành sau 21 ngày.

Các liệu pháp đã được đưa ra để ngăn ngừa sẹo nghiêm trọng trên da bao gồm trị liệu bằng áp suất, từ lâu đã được coi là phương pháp điều trị không xâm lấn chủ yếu trong điều trị sẹo phì đại. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và hiệu quả của nó đã được chứng minh. Sẽ hiệu quả hơn nếu phương pháp được áp dụng trong vòng 2 tháng sau chấn thương ban đầu.

Các biện pháp can thiệp khác bao gồm sử dụng silicone, steroid và liệu pháp laser. Trong khi hiệu quả của liệu pháp silicone chưa được xác định hoàn toàn, thì việc sử dụng steroid tại chỗ cho vết thương do bỏng thường được sử dụng và mang lại hiệu quả. Có bằng chứng cho thấy can thiệp phòng ngừa sớm bằng laser sẽ có lợi về cả tốc độ giảm sẹo và hiệu quả của đáp ứng điều trị.

 

Cắt bỏ (cắt bỏ mô) và bức xạ thường có thể được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị chính. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật làm thay đổi theo loại sẹo. Các tác giả nghiên cứu cho rằng cần những kết quả lâu dài để đưa ra quyết định về việc sử dụng cắt bỏ hoặc bức xạ như một can thiệp y tế.

Thuốc độc tố botulinum A (btxA) được sử dụng rộng rãi cho mục đích thẩm mỹ, cũng như điều trị đau đầu và đau ở bộ phận khác. Nó cũng thường được sử dụng để điều trị sẹo phì đại. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh dù btxA xem ra có tác dụng tích cực, nhưng họ vẫn chưa quyết định nồng độ tối ưu của thuốc điều trị sẹo. Nó có thể phụ thuộc vào kích thước hoặc mức độ nghiêm trọng của vết thương. Nghiên cứu đưa ra kết luận loại thuốc này có triển vọng và đáng để nghiên cứu thêm.

Triển vọng quản lý trong tương lai đối với trị liệu sẹo phì đại bao gồm liệu pháp chống tạo mạch, ức chế sự phát triển của các mạch máu mới, ghép mỡ và trị liệu tế bào gốc. Một số nghiên cứu thử nghiệm về hiệu quả của các liệu pháp này làm giảm sự hình thành mô bất thường.

N.P.D (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2020/02/200204121455.htm