Hàng rào máu não là một lá chắn hiệu quả cho não bộ – cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể con người. Hàng rào máu não có chức năng ngăn chặn các chất có hại đối với tế bào não, tuy nhiên, đối với việc phân phối thuốc vào bên trong cơ thể thì nó lại được xem là một trở ngại lớn. Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng: các phân tử thuốc được xịt vào trong mũi có khả năng vượt qua hàng rào máu và đưa thuốc trực tiếp lên não. Và mới đây, các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp sử dụng xung siêu âm để đưa thuốc đến vị trí cần thiết trong não bộ.

Nghiên cứu được thực hiện năm ngoái bởi các nhà khoa học thuộc trường Đại học Washington ở St. Louis (Hoa Kỳ) đã chỉ ra rằng các hạt nano được phun vào mũi có khả năng vượt qua hàng rào máu não theo đường các dây thần kinh khứu giác và dây thần kinh sinh ba. Kết quả thật sự ấn tượng, tuy nhiên, đối với các phân tử thuốc, “não bộ” cũng đồng thời là một địa chỉ giao hàng rất mơ hồ. Bên cạnh đó, các phân tử thuốc thường gặp khó khăn trong quá trình di chuyển từ vùng khoang quanh mạch (perivascular) – khoảng trống giữa các mao mạch và các mô lân cận tiến vào mô sâu hơn, nơi chúng thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chính vì lẽ đó, nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương pháp nhằm điều hướng các hạt nano và phân tử thuốc đến những khu vực cụ thể của não. Kỹ thuật siêu âm tập trung với việc phân phối được thực hiện trong mũi (FUSIN), cũng bắt đầu bằng việc phun các hạt nano như trước đây. Sau đó, một tác nhân tương phản trong siêu âm – về bản chất là một hỗn hợp các chất tương phản microbubbles – được tiêm như bình thường. Cuối cùng, họ sử dụng sóng siêu âm và cho truyền tới vị trí đích trong não, trong trường hợp này là thân não.

Khi các microbubbles đi qua sóng siêu âm, chúng bắt đầu nở rộng và co lại, lần lượt đẩy các hạt nano hướng tới vị trí đích. Khi động tác nở ra co lại của các microbubbles trở nên nhịp nhàng, các phân tử thuốc sẽ bắn ra khỏi vùng khoang quanh mạch để đi sâu vào trong mô cần thiết.

Kỹ thuật mới không chỉ giúp cải thiện hiệu quả của việc vận chuyển thuốc bằng cách nhắm mục tiêu đúng vị trí mà còn giúp giảm thiểu lượng thuốc có thể tích tụ ở các bộ phận khác trong cơ thể vốn dĩ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Các chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm bằng cách đưa các ống nano kim loại vàng vào đường mũi của chuột, sau đó áp dụng các xung siêu âm vào não của chúng. Thử nghiệm đã thành công. Đặc biệt, sau khi tiến hành kiểm tra các cơ quan khác trong cơ thể chuột thông qua chụp PET, nhóm nghiên cứu chỉ phát hiện ra một lượng rất ít các phân tử thuốc tích tụ lại trong phổi, gan, lá lách, thận và tim chuột.

Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực phát triển phương pháp điều trị bệnh glioma pontine nội tại khuếch tán (DIPG) – một dạng ung thư hiếm gặp nhưng nguy cơ gây tử vong rất cao, thường gặp ở trẻ em. Họ cho biết trong tương lai sẽ có kế hoạch kiểm tra cách thức hoạt động của kỹ thuật FUSIN trong việc vận chuyển thuốc hóa trị tới vị trí thân não ở bệnh nhân ung thư.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Controlled Release.

P.K.L (NASATI), theo https://newatlas.com/Nasal spray and ultrasound team up for direct-to-brain drug delivery/