Các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã phát triển được phương pháp tái chế polyester, một trong những loại vải phổ biến nhất nhưng nan giải về khía cạnh môi trường. Phương pháp mới đơn giản, không độc hại cho con người và môi trường, hơn thế còn bảo toàn tính toàn vẹn của bông được tách ra khỏi vải để sẵn sàng tái sử dụng.
Vải polyester được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới, có nhiều ưu điểm như độ bền, nhẹ, chống ẩm, nhanh khô và dễ làm sạch. Tuy nhiên, về nhược điểm, để tạo ra vải pha polyetylen terephthalate (PET) và bông phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải nhiều khí CO2. Ngoài ra, vải polyester khi được thải loại, thay vì tái chế, thì phần lớn sẽ được vứt tại các bãi rác ở đó vải không phân hủy (ít nhất là trong một thời gian rất dài). Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch đã đưa ra giải pháp cho vấn đề polyester bằng cách tái chế sản phẩm xanh, đơn giản.
Yang Yang, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Ngành dệt may đang khẩn trương tìm kiếm một giải pháp tốt hơn để xử lý các loại vải pha như polyester/cotton. Hiện nay có rất ít phương pháp tái chế cả cotton và nhựa mà thường là một trong hai kịch bản. Tuy nhiên, với kỹ thuật mới, chúng tôi có thể khử trùng hợp polyester thành các monome của nó, đồng thời thu hồi cotton ở quy mô hàng trăm gam bằng phương pháp cực kỳ đơn giản và thân thiện với môi trường”.
Phương pháp mới chỉ cần ba thứ: nhiệt, dung môi không độc hại và muối amoni cacbonat, sản phẩm được dùng trong các món nướng.
Shriaya Sharma, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Ví dụ, chúng ta có thể lấy một chiếc váy polyester, cắt nó thành nhiều mảnh nhỏ và cho vào hộp đựng. Tiếp đó, thêm một chút dung môi nhẹ và muối amoni cacbonat, mà nhiều người biết đến như một chất tạo men trong các món nướng. Sau đó, chúng tôi làm nóng hỗn hợp ở 160°C và để yên trong 24 giờ. Kết quả là một chất lỏng trong đó nhựa và cotton lắng thành các lớp riêng biệt. Quy trình này đơn giản và tiết kiệm chi phí”.
Khi đun nóng, amoni bicacbonat phân hủy thành amoniac, CO2 và nước. Khi amoniac và CO2 kết hợp với nhau, chúng hoạt động như chất xúc tác, kích hoạt phản ứng khử trùng hợp chọn lọc để phân hủy nhựa nhưng vẫn bảo toàn cotton. Mặc dù bản thân amoniac độc hại nhưng khi kết hợp với CO2, nó lại an toàn cho con người và môi trường.
Sau khi phát hiện ra rằng CO2 có thể được sử dụng làm chất xúc tác để phân hủy nylon, các nhà nghiên cứu đã khám phá việc bổ sung muối amoni cacbonat và rất ngạc nhiên với kết quả thu được.
Ở giai đoạn này, các nhà nghiên cứu mới chỉ thử nghiệm phương pháp mới trong phòng thí nghiệm nhưng đang tìm kiếm các công ty để triển khai mở rộng quy mô áp dụng với hy vọng thương mại hóa công nghệ có tiềm năng to lớn này.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Sustainable Chemistry & Engineering.
N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/environment/process-breaks-down-polyester-into-composite-parts/, 6/8/2023 (vista.gov.vn)