Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW (Nghị quyết 23) của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 23 là đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Nghị quyết xác định, đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nghị quyết đã nêu lên định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, bao gồm: Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp… Để triển khai Nghị quyết 23, ông Dương Duy Hưng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) – đưa giải pháp, một trong những nhiệm vụ trước mắt là rà soát các chính sách về phát triển công nghiệp từ trước tới nay theo danh mục cụ thể, sau đó mới có định hướng nội dung theo lộ trình của Nghị quyết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) – cho rằng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia nên theo lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp cơ khí, than, điện, hóa chất từ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và có dự báo cụ thể… “Việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên phải có tính linh hoạt cần thiết, định kỳ đánh giá hiệu quả hoạt động theo các tiêu chí để có điều chỉnh phù hợp với Nghị quyết” – ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tích cực xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp cả nước, cần nghiên cứu đưa ra các nội dung triển khai quy hoạch công nghiệp vào kế hoạch định hướng chính sách của Nghị quyết. “Quan trọng là các đơn vị triển khai cần chủ động bám sát nội dung Nghị quyết 23, rà soát tất cả chính sách, triển khai theo lộ trình và có đề xuất cụ thể” – Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao Cục Công nghiệp, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp chủ động phối hợp với với các Cục, Vụ liên quan triển khai định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo Báo Công thương