Bốn thập kỷ suy giảm
Tuyệt vọng và lo lắng là tâm trạng của nhà sinh thái học môi trường biển John Pandolfi ở Đại học Queensland ở Brisbane, Úc khi phải chứng kiến cái chết từ từ của rạn san hô Great Barrier, vốn đã suy giảm đến một nửa so với 15 năm trước. Hàng loạt tờ báo lớn đã gọi đây là thảm họa và cất lời “ai điếu” cho rạn san hô vĩ đại này vì sự biến mất của nó không chỉ làm mất đi nguồn lợi tôm cá mà còn dẫn tới sự đứt gãy của cả chuỗi sinh thái.
Không ai ngờ điều đó lại xảy ra ở Nha Trang.
Đối với những nhà nghiên cứu san hô ở Nha Trang, có lẽ họ không quá sốc? Tuy nhiên ngược lại với phỏng đoán của chúng tôi, dù đã có thời gian dài chứng kiến cái chết đang đến từ từ với rạn san hô này, “một quá trình suy giảm liên tục mà chưa có dấu hiệu dừng lại”, họ cũng ngậm ngùi nói rằng “quả thực tình trạng đã đến mức báo động”. Kết quả nghiên cứu công bố mới nhất của Viện Sinh thái học và Tiến hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga tại Nha Trang và Viện Hải dương học trên tạp chí Marine and Freshwater Researc ghi nhận 90% san hô đã biến mất so với những năm năm 1980, trong đó giai đoạn hiện nay là suy giảm mạnh nhất, đáng báo động.
Nhóm nghiên cứu do GS. Konstantin Tkachenko đứng đầu và cộng sự tiến hành khảo sát san hô ở 10 điểm trong khoảng thời gian ba năm, lần cuối cùng vào năm 2019. Thực tế thật ngỡ ngàng: độ che phủ san hô trung bình giảm 64,4% (tỉ lệ san hô biến mất dao động từ 43% đến 95%), trong đó, mức giảm mạnh nhất là hai chi san hô Acropora và Montipora, vốn là thành phần chủ yếu của rạn san hô ở vịnh Nha Trang, nay suy giảm lần lượt ở mức 80,6% và 82,3%. Mức độ suy giảm của san hô ở các điểm khảo sát trên đều nghiêm trọng, chẳng hạn tại điểm quan sát gần đảo Hòn Một, các loài san hô này đã mất hoàn toàn hoặc độ che phủ giảm 4 lần, thậm chí có chỗ giảm tới 8 lần. Tình trạng suy giảm đặc biệt nghiêm trọng ở điểm khảo sát phía bắc đảo Hòn Tre, độ che phủ san hô bị mất 98% (giảm 54 lần).
Hình chụp tại một khu vực khảo sát ở rạn san hô Nha Trang vào năm 2016 và 2019. Ảnh: GS Konstantin cung cấp.
Kết quả quan sát, thu thập mẫu phân tích ở 20 điểm cố định, tính cả từ năm 2013 tới năm 2019, kết hợp với sử dụng công cụ lập bản đồ rạn và phân tích hệ thống thông tin địa lý GIS cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh, cho phép chúng ta so sánh với bốn thập niên trước: tổng diện tích rạn san hô phong phú và khỏe mạnh ở vịnh Nha Trang đã giảm từ 6,65 km2 trước những năm 1980 xuống còn 0,74 km2 vào năm 2019. Điều đó cho thấy, Nha Trang đã mất 90% san hô trong vòng chưa đầy 40 năm. 10% còn lại của quần xã san hô đang trong hai tình trạng: một số vẫn ổn định và một số tiếp tục suy giảm, mức độ che phủ của quần xã còn lại dao động từ 13 đến 50% và tính phong phú đa dạng loài giờ đây cũng suy giảm nhiều.
Không chỉ khiến chúng ta mất đi chỗ ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của biển cả, việc mất đi rạn san hô còn gây ra sự đứt gãy sinh thái lớn hơn rất nhiều, thậm chí gây khủng hoảng cho cả hệ sinh thái ở vịnh vì “san hô chính là mái nhà, đi kèm với nó là các quần xã sinh vật biển”. Mất rạn san hô là mất nơi cư trú, nơi sinh sống của các cộng đồng sinh vật có mối liên kết chặt chẽ với nhau: trên rạn có tảo cộng sinh để quang hợp, tạo ra năng suất sơ cấp cho các loài cá ăn tảo, tiếp theo là các loài cá ăn thịt, tạo dây chuyền thức ăn. Nên rạn san hô không còn cũng làm mất đứt gãy chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến nguồn lợi, sản lượng sinh vật có thể khai thác, cũng như đến chất lượng môi trường vịnh – TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.
Hiện nay mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có đầy đủ các nghiên cứu và cơ sở dữ liệu về san hô, để có thể so sánh, đánh giá được hiện trạng san hô theo thời gian cũng như ở các vùng khác nhau. Mặt khác, chúng tôi rất muốn có quy định về việc các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu phải công bố dữ liệu để cho các nhà nghiên cứu có thể sử dụng, thậm chí là các nhà khoa học quốc tế cũng dùng được.(TS Nguyễn Hữu Huân)
Chủ yếu do “nhân tai”
Với góc nhìn của một người nghiên cứu về san hô ở vịnh trong suốt tám năm qua, GS Konstantin Tkachenko cho biết, dù các rạn san hô ở vịnh Nha Trang đang bị suy thoái nghiêm trọng và nhanh chóng do nhiều biến động phức tạp, cả do tác động của con người và những biến động tự nhiên nhưng nguyên nhân chính vẫn là “nhân tai”. Nếu bóc tách kỹ hơn, có thể thấy các hoạt động du lịch mà ông nhấn mạnh là ở mức “bùng nổ” (bomming), xả thải, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản gây tác động chồng chéo cùng lúc. Phân tích sâu hơn, ông cho rằng thủ phạm lần lượt là “hiện tượng gia tăng bồi lắng do cải tạo đất, nạo vét, xây dựng ven biển, đặc biệt là hoạt động xây dựng trên đảo Hòn Tre; thứ hai là hiện tượng phú dưỡng ngày càng tăng chủ yếu do xả thải, xả phân từ đất liền cũng như sự phát triển bùng nổ của nghề nuôi trồng thủy sản trong khu vực; thứ ba là đánh bắt quá mức và khai thác cạn kiệt nguồn lợi hải sản ở biển và cả dưới đáy biển”. Còn nguyên nhân liên quan đến “thiên tai” chủ yếu do “sự bùng phát của kẻ thù tự nhiên chính của san hô – sao biển gai (Acanthaster planci) đã đe dọa đời sống của những phần san hô ít ỏi còn lại tương đối khỏe mạnh trong Vịnh Nha Trang trong giai đoạn 2016-2019”.
Trên thực tế, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết, không phải tới khi nhóm của ông cùng GS Konstanin làm nghiên cứu lần này mới đưa ra các đánh giá trên. Nhóm nghiên cứu của ông đã từng đánh giá áp lực các hoạt động của con người lên san hô ở vịnh Nha Trang trong ông bố vào năm 2016 trên tạp chí Marine Ecology. Bên cạnh đó, công bố của TS Nguyễn Đức Ái, Đại học Queensland và Viện Hải dương học vào năm 2013 trên tạp chí Coral Reefs cũng đã bổ sung thêm một số bằng chứng thông qua việc đo đạc, đánh giá tác động từ hoạt động xả thải, san lấp, nạo vét ở vịnh Nha Trang để xây dựng các resort, khu du lịch. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng ô nhiễm kim loại nặng ở san hô.
Những khu resort mọc lên ven biển, những công trình phục vụ khách du lịch đem lại nguồn thu cho Nha Trang nhưng mặt khác “hoạt động kinh tế xã hội lớn nhất ảnh hưởng tới rạn san hô là lấn biển, lấn vịnh”. Điều mà tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy được chứ chưa cần tới các đo đạc phức tạp hay lặn biển lấy mẫu là “cách đây ba đến năm năm, các hoạt động khai thác các đảo ven vịnh dùng làm công trình du lịch, đô thị hóa xây dựng resort xung quanh vịnh Nha Trang rất sôi động, ảnh hưởng rất lớn đến rạn san hô vịnh. Thứ hai là du lịch Nha Trang tăng trưởng nóng, trong đó chỉ tập trung khai thác du lịch biển đảo, (lặn biển, neo đậu tàu thuyền, xả nước thải du lịch)… làm ảnh hưởng rất lớn tới rạn san hô, đặc biệt là phía Nam vịnh Nha Trang”, TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Khi nào vượt ngưỡng tải môi trường?
Đối với các nhà nghiên cứu môi trường biển như GS Konstantin Tkachenko và TS Nguyễn Hữu Huân, san hô chính là một chỉ báo cho sức tải của biển cả, chỉ báo cho sức khỏe môi trường biển, tiềm năng tài nguyên, nguồn lợi biển. Và những điều đang xảy ra với rạn san hô Nha Trang cho thấy vịnh đã đến giới hạn chịu đựng – ngay cả khi bị/được ngơi nghỉ do ảnh hưởng không ai mong muốn của Covid-19 thì trong một hai năm vịnh cũng không thể phục hồi được. “Lâu nay vịnh đã chịu đựng nhiều rồi, nhưng nó không thể chịu mãi được. Nếu mình khôn ngoan không chạm vào ngưỡng thì được, còn nếu đã quá ngưỡng thì nó sẽ phá vỡ hệ [sinh thái]. Khi đó thì không còn gì cả, mình phải lục tục nhặt từng mẩu vài cm ở nơi khác mà cấy lại, vài chục, vài trăm năm sau chưa thể khôi phục được” TS Nguyễn Hữu Huân nói thêm.
“Chẳng lẽ chúng ta không còn cách nào cứu vãn ư?” trước câu hỏi tôi bật thốt lên, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết “thực ra vẫn có”. Tuy nhiên dù có thể sẵn sàng có những giải pháp mang tính “chữa cháy” thì ông và GS Konstantin nhấn mạnh đến giải pháp lâu dài, mang tính tổng thể như quy hoạch phát triển tổng thể của đô thị cần phải được xây dựng trên quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương, bởi nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Rạn san hô Nha Trang (và nhiều vùng khác ở Việt Nam) đều chịu chung một nghịch lý là trung tâm điều hòa khí hậu, môi trường, tài nguyên cho khu vực các vịnh, các đảo nhưng lại là vùng “bờ xôi ruộng mật” khiến bất cứ ai cũng mong muốn được “canh tác, khai thác” – là miếng đất màu mỡ, đẹp, phân bố ngay tại những nơi có thể du lịch được, có nhiều tài nguyên, thu hút nhiều hoạt động của con người. Nếu chính quyền các địa phương không quyết tâm điều tiết du lịch, hạn chế nuôi trồng thủy sản thì sẽ không có câu trả lời nào lâu dài cho các rạn san hô này. Để giải pháp đó hiệu quả, cần tính toán sức tải chi tiết đến từng ngành kinh tế, chẳng hạn như sức tải của vịnh đối với ngành du lịch tới mức nào với ngành nuôi trồng thủy sản tới mức nào để đảm bảo môi trường sinh thái cho vịnh. Từ đó, đưa các tính toán sức tải này vào quy hoạch phát triển của thành phố.
Tôi đã so sánh sơ bộ ba vùng ven biển của Việt Nam: Vịnh Nha Trang, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận (vùng ven biển Vườn quốc gia Núi Chúa) và Côn Đảo. Tôi thấy chỉ có Côn Đảo vẫn giữ được rạn san hô. Tôi hi vọng rằng các nhà quản lý ở Côn Đảo không nên lặp lại kinh nghiệm đáng buồn của chính quyền Nha Trang, nơi đã cho phép phát triển du lịch bùng nổ dẫn tới hậu quả tàn phá thiên nhiên. (GS. Konstantin Tkachenko)
Dưới góc nhìn của họ, có một vài giải pháp cấp thiết trước mắt là chính quyền Nha Trang nên tổ chức thu gom sao biển gai ở các rạn san hô trong vịnh để cứu ngay lấy san hô còn đang sống sót tương tự các nước như Úc, Nhật Bản, Polynesia … đều phải chi hàng triệu đô la diệt sao biển gai để cứu các rạn san hô. GS Konstantin gợi ý, ngư dân địa phương cũng có thể làm được và được hưởng lợi từ việc thu gom sao biển gai này. Mặt khác, ông cho rằng, cần có quy chế yêu cầu chủ sở hữu các khu nghỉ dưỡng và khu du lịch đã san lấp, nạo vét, gây ảnh hưởng tới môi trường biển phải cải tạo vùng ven biển như góp phần xây dựng cho khu bảo tồn biển, nuôi trồng san hô.
Dù GS Konstantin lưu ý, không thể chỉ trông chờ vào việc nuôi trồng san hô nhân tạo còn TS Nguyễn Hữu Huân cũng nhấn mạnh “đó là điều cực chẳng đã và là giải pháp cuối cùng khi không còn lựa chọn thôi”, bởi vì sức người chỉ có thể trồng san hô tính bằng cành, bằng cụm với mỗi năm “nhích” tăng trưởng vài cm, còn bị mất mát tính đến hàng cây số vuông và hàng thế kỷ, thậm chí thiên niên kỷ phát triển của cả rạn san hô trong tự nhiên. “Mình khôi phục, nuôi trồng san hô cũng chưa đồng nghĩa với việc khôi phục được hệ sinh thái của rạn, mà phải đủ điều kiện sinh thái cần thiết thì sinh vật rạn mới tới ở, sinh sôi phát triển”, TS Nguyễn Hữu Huân nói.