Bỏ nghề kiểm toán, chị Bùi Thị Bích Ngọc chuyển hướng sang nghiên cứu, khởi nghiệp từ việc tái chế thành công vỏ dứa thành những sản phẩm hữu ích, mỗi tháng thu về gần 100 triệu đồng.
Ngã rẽ nghề nghiệp
Năm 2010, chị Bùi Thị Bích Ngọc (SN 1987, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tốt nghiệp ngành kiểm toán và ra làm việc ở một công ty bảo hiểm tại TP. Thanh Hóa với mức lương tương đối ổn định.
Chân dung nữ giám đốc Bùi Thị Bích Ngọc khởi nghiệp thành công bằng công nghệ Eco Enzyme.
Một lần tình cờ biết đến nghiên cứu của một tiến sĩ người Thái về phương pháp ngâm ủ và lên men các phế phẩm nông sản để tạo ra Enzyme sinh học (công nghệ sinh học Eco Ezyme), chị Ngọc đã trót say mê và yêu thích công nghệ này.
“Đó là một công nghệ khá mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Sau khi tìm hiểu tôi thấy ở ngay chính quê hương mình có rất nhiều vùng trồng dứa xuất khẩu, đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất.
Hơn nữa, công nghệ này vừa tạo ra sản phẩm hữu ích lại bảo vệ môi trường mà không quá tốn kém về chi phí mua nguyên liệu. Từ đó tôi nảy ra ý định thử học cách làm này của vị tiến sĩ người Thái xem sao”, chị Ngọc nhớ lại ngày bén duyên với nghề.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, sau mỗi buổi làm việc tại công ty, chị lại tranh thủ tìm tòi các tài liệu về Eco Enzyme rồi miệt mài nghiên cứu các quy trình sản xuất. Sau hai năm nghiên cứu, cuối cùng chị cũng đã lên men vỏ dứa thành nước rửa tay thân thiện với môi trường.
Sau thành công bước đầu, đến năm 2019, Ngọc đi đến quyết định khá táo bạo. Chị từ bỏ công việc ở công ty bảo hiểm rồi về quê bàn bạc với chồng mở xưởng, thành lập công ty rồi tập trung sản xuất nước rửa tay, nước giặt, nước rửa chén bằng công nghệ Eco Enzyme.
Vỏ dứa, nguyên liệu chính để ủ men tạo Enzyme.
“Tôi không ngờ đây lại là ngã rẽ nghề nghiệp của mình. Lúc đầu nghiên cứu cũng chỉ vì yêu thích nhưng được chồng động viên nên thử sức kinh doanh xem sao nên tôi quyết định bỏ việc kiểm toán luôn.
Khi khởi nghiệp cả nhà cũng chỉ có 60 triệu đồng tiền vốn sau nhiều năm tích góp. Vì đây là sản phẩm chủ yếu được làm ra từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi (vỏ dứa, vỏ trái cây…) nên chi phí không tốn kém. Tôi dùng 60 triệu đồng đó để mua thiết bị máy móc rồi đến các xưởng sản xuất dứa để thu mua vỏ về ủ men”, chị Ngọc kể lại ngày đầu khởi nghiệp.
Những sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường của cô gái 8X đã nhanh chóng chiếm lĩnh được số lượng lớn khách hàng.
Thu nhập mỗi tháng gần 100 triệu đồng
Chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình, chị Ngọc cho biết mặc dù nguyên liệu đầu vào là các phế phẩm từ nông sản với chi phí thấp nhưng để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh cần đến rất nhiều phụ gia và hương liệu nhập khẩu (không độc hại) từ nước ngoài với giá khá đắt đỏ.
“Việc khuấy đều hỗn hợp vỏ dứa và nước đường vàng sẽ tạo ra khí O3 có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc, xua đuổi côn trùng, thanh lọc không khí, làm trong sạch nguồn nước, giúp cây cối tốt tươi…”, chị Ngọc chia sẻ.
Vì vậy, để mở rộng mô hình sản xuất, Bùi Thị Bích Ngọc huy động thêm bạn bè góp vốn rồi thành lập công ty và đa dạng hóa các sản phẩm từ nước rửa tay đến xịt khử mùi, nước giặt, nước rửa bồn cầu…
Đến nay, mỗi năm cơ sở của chị xuất ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm, với doanh thu mỗi tháng gần 500 triệu đồng. Trừ chi phí sản xuất và trả lương lao động, lợi nhuận thu về gần 100 triệu đồng.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu mà chị hướng tới là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, mini Mart ở Thanh Hóa và các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Hiện tại, công ty chị đang có 300 đại lý tại nhiều tỉnh.
Nói về quy trình sản xuất ra các sản phẩm theo công nghệ Eco Enzyme, chị Ngọc cho biết: “Vỏ dứa sau khi thu gom về sẽ được tách, sàng lọc kỹ càng rồi trộn cùng đường vàng, sau đó khuấy đều trong nước để tạo dung môi ngâm ủ. Thời gian ngâm ủ vỏ dứa trong bồn kéo dài 3 tháng, sau đó đem đi tách lọc nước cốt để lấy Enzyme. Cuối cùng tạo ra Enzyme thành phẩm, kết hợp với các loại tinh dầu như quế, hồi, sả… tạo hương và sản xuất”.
Theo nữ giám đốc 8X, ưu thế lớn nhất của công nghệ Enzyme đó là các sản phẩm được làm hoàn toàn 100% nguyên liệu tự nhiên, không có hóa chất độc hại. Việc tận dụng các phế phẩm nông sản còn góp phần bảo vệ môi trường từ các nhà máy chế biến nông sản.
Cơ sở của chị Ngọc còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Hiện công ty đã có 3 sản phẩm đạt OCOP (nước lau sàn và nước giặt xếp hạng 4 sao, nước rửa chén xếp hạng 3 sao). Dự kiến, trong thời gian tới, chị Ngọc sẽ đa dạng hóa sản phẩm về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, chị cũng hướng sản phẩm của mình đến một số thị trường khó tính như EU, Đức.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa – Chủ tịch Hội nông dân TP Thanh Hóa, mô hình khởi nghiệp này khá mới mẻ ở địa phương. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế tương đối tốt.
“Không chỉ khởi nghiệp thành công, tại cơ sở sản xuất của chị Bùi Thị Bích Ngọc đang tạo công ăn việc làm cho 13 – 15 lao động thường xuyên tại địa phương với mức lương 6 – 7 triệu đồng/tháng/người”, ông Hòa cho hay.
THEO THANH TÙNG
(Báo Dân trí)