Ông Võ Tuấn Toàn – Giám đốc Biffa giới thiệu về than sinh học và dấm gỗ
(Báo Khoa học và phát triển) Từ nguyên liệu là cây bạch đàn, Công ty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định (Biffa) đã nghiên cứu và sản xuất thành công dấm gỗ trong quá trình sản xuất than sinh học từ gỗ bạch đàn, có thể ứng dụng để phát triển canh tác nông nghiệp an toàn. Đây cũng là sản phẩm của dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao và dấm gỗ sinh học từ nguyên liệu gỗ rừng trồng” thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, được Biffa thực hiện từ cuối năm 2017.
Nhiều ứng dụng trong nông nghiệp an toàn
- Nguyễn Đăng Nghĩa – Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới TPHCM, cho biết, trong dấm gỗ có nhiều loại hợp chất hữu cơ, nhưng 80 – 90% là thành phần nước. Trong 20% còn lại bao gồm các thành phần khác như ester, axit, phenol, aldehyd,…, trong đó thành phần nhiều nhất theo đúng như tên của dấm gỗ là axit axetic, chiếm 3 – 5%. Dấm gỗ sinh học là sản phẩm hữu cơ, có thể được ứng dụng an toàn trong nhiều lĩnh vực như diệt trừ cỏ dại, ngăn ngừa, xua đuổi hoặc tiêu diệt côn trùng, sâu bọ, nấm, vi sinh vật gây hại, xử lý chất thải hữu cơ; khử mùi hôi làm sạch môi trường chuồng trại; cải tạo đất; kích thích tiêu hóa thức ăn cho vật nuôi,…
- Nghĩa cho biết thêm, trên thế giới có rất nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng dấm gỗ trong sản xuất nông nghiệp như cải tạo đất, bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng, bảo quản lương thực,… Điển hình như ông F.A.Petter (Brazil) đã nghiên cứu việc sử dụng dấm gỗ trong kiểm soát sâu bướm và hiệu suất nông học của đậu tương. Còn ông Seiichi Murayama (Nhật Bản) đã nghiên cứu sử dụng dấm gỗ bón cho cây mía, giúp tăng năng suất 16% so với mía đối chứng…
Theo ông Võ Tuấn Toàn – Giám đốc Biffa, việc nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất dấm gỗ trên thế giới khá nhiều và đã có từ lâu. Nhưng ở Việt Nam, đây lại là lĩnh vực non trẻ. Đối với ngành nông nghiệp trong nước thì dấm gỗ hầu như rất mới mẻ.
Ông Toàn cho biết, nguyên liệu là bạch đàn tươi được nung bằng công nghệ nhiệt phân yếm khí dài ngày (20 – 25 ngày) với thiết bị lò xây quy mô cụm, kiểu lò nổi sẽ cho sản phẩm đạt chất lượng cao, hàm lượng các bon hơn 80% và nhiệt lượng cao 7.500 Kcal/kg, độ tro thấp dưới 1,92%. Than hầu như không phát sinh mùi và khói khi cháy, thời gian tàn, tắt rất lâu. Trong quá trình sản xuất, than sinh học sẽ phát sinh khói thải. Khói này được Biffa ngưng tụ để thu hồi nước cốt gỗ, sau đó trích ly, chưng cất, trung hòa để cho ra dấm gỗ sinh học.
Thử nghiệm hiệu quả
Trong quá trình thử nghiệm trồng rau hữu cơ, HTX nông nghiệp Ngã Ba Giồng (Hóc Môn, TPHCM) đã dùng dấm gỗ của Biffa để phun trên lá rau muống, rau dền nhằm trị bệnh nấm trắng và trị bọ nhẩy, rầy xanh cho mướp đắng.
Kết quả, theo ThS. Vũ Thị Quyền – Trung tâm Nghiên cứu và dịch vụ sinh vật cảnh TPHCM, trọng lượng rau tăng (1,9 – 2kg/m2) so với rau không sử dụng dấm gỗ (1,3kg/m2). Ngoài ra, cây có thân hình khỏe mạnh, xanh tốt và sạch bệnh hơn hẳn. Đồng thời chất lượng đất có sử dụng giấm gỗ thay đổi đáng kể, đặc biệt, tỉ lệ Fe2O3 trong đất giảm (4,919% so với 6,767% trước đây). Cỏ dại cũng mọc rất hạn chế, môi trường không khí ở khu vực trồng rau sử dụng dấm gỗ trở nên trong lành và dễ chịu bởi tính năng khử mùi tốt của nó.
Dấm gỗ được thử nghiệm trên cây mướp đắng cho trái tròn và phát triển tốt
Ngoài ra, dấm gỗ của Biffa còn được Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới TPHCM thử nghiệm trên cây thanh long và hồ tiêu; HTX Đại Đồng (Tứ Kỳ, Hải Dương) ứng dụng trên cây dưa; HTX Bằng La (Đồ Sơn, Hải Phòng) ứng dụng trên cây táo; HTX Thượng Quận (Kinh Môn, Hải Dương) sử dụng cho cây ổi,… Kết quả đều cho hiệu quả rõ rệt trong việc tiêu diệt và xua đuổi một số sâu bệnh hại…
Hiện nay, Biffa đã làm chủ được công nghệ sản xuất than và dấm gỗ sinh học với công suất 2.000 tấn than/năm, 500.000 lít dấm/năm.
“Việc sản xuất thành công dấm gỗ sinh học, không chỉ giải quyết khói thải môi trường trong sản xuất than sinh học, mà còn giúp hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại” – ông Toàn chia sẻ.