Từ năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ – Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã tiến hành đánh giá và chọn lọc nguồn vật liệu nhập từ Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP). Kết quả đánh giá và tuyển chọn từ tập đoàn 27 giống khoai tây chống chịu bệnh virus đã chọn được giống khoai tây KT1 là giống khoai tây có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp cho ăn tươi và chế biến, đặc biệt là khả năng chống chịu bệnh virus, chịu nhiệt tốt, phù hợp cho sản xuất khoai tây ở các tỉnh phía Bắc. Giống khoai tây KT1 được chọn lọc từ tổ hợp lai MEX-32 x XY.9 nhập nội từ Trung tâm Khoai tây Quốc tế năm 2005 (mã số Việt Nam là 1-05 và CIP code 388611.22). Giống khoai tây KT1 đã được công nhận sản xuất thử cho vụ Đông tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng theo quyết định số 2412/QĐ-BNN-TT ngày 16 tháng 6 năm 2016 và căn cứ vào công văn số 1173/TT-CLT ngày 3 tháng 10 năm 2017 về việc mở rộng vùng sản xuất thử giống khoai tây KT1 trong vụ Đông tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc.
Để đưa giống khoai tây KT1 nhanh chóng vào các vùng trồng khoai tây ở các tỉnh phía Bắc, ThS. Ngô Thị Huệ cùng các cộng sự tại Viện cây lương thực và cây thực phẩm đã thực hiện đề tài: “Sản xuất thử giống khoai tây KT1 phục vụ ăn tươi và chế biến ở các tỉnh phía Bắc” từ năm 2017 đến năm 2019.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp invitro kết hợp khí canh để sản xuất giống và quy trình thâm canh giống khoai tây KT1; chuyển giao giống, quy trình kỹ thuật và giới thiệu mô hình trình diễn sản xuất giống khoai tây mới KT1 có năng suất cao, mở rộng diện tích, góp phần công nhận giống mới.
Đề tài đã triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung, tiến độ theo thuyết minh được phê duyệt, sản phẩm đủ chủng loại, đạt số lượng và chất lượng theo yêu cầu. Một số kết quả đạt được như sau:
- Hoàn thiện quy trình nhân giống bằng phương pháp invitro kết hợp khí canh, xác định được môi trường dinh dưỡng 1 của Hàn Quốc và bổ sung hàm lượng NH4H2PO4 là 0,06g/l vào giai đoạn tạo củ thích hợp cho sản xuất củ giống khoai tây KT1 tại Sapa, Lào Cai. Trên cơ sở đó đã tổng hợp hoàn thiện được 01 quy trình nhân giống bằng phương pháp invitro kết hợp khí canh.
- Hoàn thiện quy trình thâm canh giống khoai tây KT1, xác định được lượng phân bón là 150N:150P2O5:150K2O và mật độ trồng 5 khóm/m2 thích hợp cho giống khoai tây KT1. Trên cơ sở đó đã tổng hợp hoàn thiện được 01 quy trình thâm canh giống khoai tây KT1 cho các tỉnh phía Bắc.
- Sản xuất củ giống khoai tây KT1 các cấp: Siêu nguyên chủng được 394.000 củ (vượt 5% kế hoạch); nguyên chủng được 75 tấn; xác nhận được 500,6 tấn, đạt được mục tiêu dự án.
- Xây dựng 04 mô hình trình diễn giống khoai tây KT1 với tổng diện tích 20 ha tại 4 tỉnh: Thanh Hóa (5 ha), Nam Định (5 ha), Bắc Ninh (5 ha) và Cao Bằng (5 ha). Kết quả cho thấy giống khoai tây KT1 năng suất đạt 25,36 – 26,58 tấn/ha, tỷ lệ củ to (đường kính củ từ 45-50 mm) đạt 52 – 55%, tỷ lệ chất khô 20,5-23,21%. Mô hình sản xuất tại các điểm đạt được mục tiêu dự án.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16844/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)