Đăng Khoa và Hoàng Thư đang tạo khuôn cho tờ giấy

(Tạp chí Khám phá) Từ thân cây chuối bỏ đi, hai học sinh ở TP.HCM đã tạo ra những chiếc túi giấy đựng đồ và mong muốn khởi nghiệp với sản phẩm thân thiện với môi trường này.

Mong muốn góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống, đồng thời giúp những người nông dân có thể kiếm thêm thu nhập từ thân cây chuối sau khi bị đốn buồng, hai học sinh Nguyễn Lại Hoàng Thư và Vũ Đăng Khoa (lớp 8A1 Trường THCS – THPT Đức Trí, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã nghiên cứu chế tạo ra túi giấy từ thân cây chuối và dầu ăn đã qua sử dụng.

Chia sẻ về dự án, Đăng Khoa cho biết, ở Việt Nam, cây chuối là loại cây dễ trồng, dễ mọc. Tuy nhiên, thân chuối sau khi bị đốn buồng sẽ bị chặt bỏ đi để nhường chỗ cho những cây chuối nhỏ khác lớn lên. Trong khi đó, ở nước ngoài người ta tận dụng thân cây chuối để sản xuất giấy để viết, phục vụ cho việc học tập.

“Thấy được điều này, em đã cùng bạn Hoàng Thư bàn bạc và quyết định thử sức ở dự án này để đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là những người trồng chuối. Hiện dự án đang ở bước đầu, sau một thời gian nếu thành công, chúng em có thể khởi nghiệp”, Khoa nói.

Để thực hiện được chiếc túi giấy bằng thân cây chuối, đầu tiên nhóm phải chuẩn bị nguyên liệu là thân chuối cắt nhỏ. Sau đó cho NaOH (hợp chất vô cơ, có tính nhờn, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như giấy, luyện nhôm, dệt nhuộm, xà phòng, chất tẩy rửa, tơ nhân tạo…) liều lượng vừa đủ và nước vào đun sôi khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi để nguội lại.

Sau công đoạn này, nhóm tiến hành lọc NaOH để đảm bảo an toàn sức khỏe khi sử dụng bằng cách lược nước và xác ra riêng, lấy xác rửa với nước lạnh nhiều lần rồi tiếp tục hòa lẫn nước và xác lại với nhau, xay thật nhuyễn, thử độ pH bằng 7 (đây là môi trường trung tính), cuối cùng nhóm tạo khuôn và đem phơi khô. Hoàng Thư cho biết: “Chúng ta có thể phơi nắng hoặc phơi gió, tuy nhiên phải canh giờ giấc tránh cho tờ giấy quá khô, như vậy giấy sẽ bị nhăn và không được đẹp; màu giấy tùy thuộc vào thân cây chuối, nếu sau khi cây chuối bị chặt mình đem đi sản xuất giấy liền thì tờ giấy

 

có màu trắng, đẹp; ngược lại, nếu dùng cây chuối bị khô thì tờ giấy sẽ có màu sẫm, không đẹp”.

Các công đoạn ‘sản xuất’ ra túi giấy đều được làm bằng tay

Hoàn thành công đoạn này, hai bạn sẽ mang đi xếp thành những chiếc túi nhỏ để đựng đồ vật. Để túi chống thấm nước, các em đã nghĩ ra ý tưởng là tận dụng dầu ăn đã qua sử dụng bôi lên chiếc túi.

“Nếu chiếc túi không quét dầu ăn đã qua sử dụng để chống thấm thì có thể dùng đựng đồ hoặc thức ăn khô ráo vì dễ bị thấm nước. Sau khi quét dầu thì túi sẽ có khả năng chống thấm nên chúng ta có thể đựng được rau, củ, quả bị ướt… Tuy nhiên, ngoài dầu ăn, chúng ta cũng có thể bôi dầu dừa để tạo mùi thơm nhưng sẽ rất tốn kém chi phí so với dầu ăn”, Đăng Khoa cho biết.

Kể lại những khó khăn khi thực hiện dự án, Đăng Khoa và Hoàng Thư cho biết ở TP.HCM, việc tìm nguyên liệu là thân cây chuối là rất khó, trong khi đó sản phẩm tạo ra không dùng chất bảo quản nên dễ bị mốc và thu hút các loại côn trùng.

Cô Thu Sen (giữa) và nhóm thực hiện dự án khoe những chiếc túi thành phẩm

“Để khắc phục nhược điểm trên, chúng em đang tìm hiểu, nghiên cứu giải pháp giúp chiếc túi có thể bảo quản trong thời gian lâu nhất, đồng thời liên hệ với những người trồng chuối để có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất”, Đăng Khoa bật mí.

 

Nhận xét về dự án của hai bạn, cô Nguyễn Thị Thu Sen, giáo viên môn hóa của trường và cũng là người hướng dẫn, cho biết việc học sinh ý thức và thực hiện được dự án này là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động như hiện nay. Vì được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên những chiếc túi giấy của hai bạn rất dễ phân hủy, không gây hại đến môi trường. TP.HCM hiện đang vận động người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa vì một thành phố sạch và giảm ngập nước nên nỗ lực sáng tạo của hai bạn rất đáng khen ngợi.

Với tính khả thi và công dụng thiết thực, dự án trên đã giúp Đăng Khoa và Hoàng Thư xuất sắc đoạt giải nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quận.