PGS Trần Văn Tớp chia sẻ thông tin về kế hoạch tuyển sinh 2017.
(Theo KH&PT) – ELITECH là tên chương trình đào tạo tinh hoa hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) mà Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu triển khai trong năm 2017. Thông tin này vừa được PGS. Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội – cho biết chiều 8/7/2017 khi nói về kế hoạch tuyển sinh năm nay.
Ông cũng chia sẻ nhiều điểm mới về công tác xét tuyển, áp dụng mô hình và chương trình đào tạo tích hợp, linh hoạt và hội nhập CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành) – tiêu chuẩn được đề xuất bởi khối ngành kỹ thuật thuộc Đại học Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ, phối hợp với các trường đại học Thụy Điển.
Với ELITECH, PGS. Trần Văn Tớp cho biết, đây là chương trình được thiết kế nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Lý do là cuộc cách mạng này thay đổi hoàn toàn quá trình sản xuất, chuỗi giá trị, quá trình phân phối và chuỗi dịch vụ cho khách hàng.
Cách mạng 4.0 đã tạo cơ sở cho một loại hình phân chia cơ cấu nhân lực mới với hai thành phần cơ bản: Nhân lực thừa hành (hành chính, vận chuyển, bảo trì, sản xuất theo dây chuyền) với kỹ năng thấp; nhân lực sáng tạo (nhà sáng chế, thiết kế, nghiên cứu khoa học và công nghệ R&D, thử nghiệm, sáng tạo nghệ thuật) với yêu cầu về kiến thức và kỹ năng rất cao.
“Cơ cấu ngành nghề trong đào tạo nhân lực KH&CN đã có những thay đổi căn bản. Ranh giới các ngành công nghiệp truyền thống ngày càng bị xóa nhòa và được thay thế bằng các ngành, chuyên ngành đào tạo có tính tích hợp, liên ngành cao và thay đổi liên tục như khoa học vật liệu, điện – điện tử viễn thông – công nghệ thông tin và truyền thông, cơ – điện tử, công nghệ môi trường” – PGS Tớp giới thiệu và bày tỏ kỳ vọng Đại học Bách Khoa Hà Nội khi thay đổi chương trình đào tạo sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và giáo dục các thế hệ tương lai.
Các yếu tố công nghệ cốt lõi trong cách mạng 4.0 sẽ được tích hợp trong chương trình ELITECH, bao gồm:
Trí tuệ nhân tạo: Còn gọi là trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc. Ngày nay AI là một ngành rất hứa hẹn trong lĩnh vực khoa học máy tính, cho phép mang lại các ứng dụng to lớn trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, y dược, kỹ thuật và quân sự.
Dữ liệu lớn (Big Data) và khoa học dữ liệu (Data Science): Là một xu hướng bao gồm các công nghệ xử lý tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không xử lý được. Xu hướng này tập trung giải quyết các thách thức trong phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư. Trong kỷ nguyên của xã hội thông tin, khi khối lượng thông tin được chia sẻ trên Internet trở nên khổng lồ, dữ liệu lớn là một công cụ cho phép phân tích dự báo, đưa ra các ứng dụng, dịch vụ thông tin thông minh và hữu ích cho nhiều mặt của đời sống và cho nền kinh tế.
Internet vạn vật – Internet of Things (IoT): Bên cạnh các dịch vụ truyền thông truyền thống để kết nối và chia sẻ thông tin giữa người sử dụng, Internet còn được sử dụng như một mạng toàn cầu kết nối các thiết bị như máy tính di động, máy chủ, hệ thống cảm biến và cơ cấu chấp hành để trở thành một hệ thống phân tán tính toán khắp nơi, một công cụ có thể giải các bài toàn phức tạp hoặc đưa ra các dịch vụ, ứng dụng mới tiên tiến, phục vụ mọi mặt của đời sống như chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý hành chính.
Robotics: Là các hệ thống hoặc thiết bị cơ khí có thể được lập trình để tương tác với môi trường xung quanh, không cần có sự giám sát và can thiệp của con người. Công nghệ robotics đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cảm biến và các hệ thống siêu nhỏ (Micro, nanosystems and sensors): Các hệ thống và cảm biến siêu nhỏ, siêu nhẹ, hoạt động ở quy mô nguyên tử và phân tử, đòi hỏi năng lượng thấp nhất. Chúng được dùng để đo đạc nhận biết môi trường xung quanh. Hệ thống cảm biến này khi kết hợp với hệ thống truyền tín hiệu tự động về trung tâm điều khiển sẽ tạo ra các ứng dụng mới hữu ích phục vụ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong y tế.
Vật liệu tiên tiến (Advanced Materials): Công nghệ và khoa học vật liệu chính là trái tim của tất cả các loại công nghệ do mọi thứ đều được tạo nên từ một loại vật liệu nào đó. Tương lai của chúng ta ngày càng phụ thuộc vào sự phát triển của vật liệu mới và sự kết hợp sáng tạo các vật liệu để sản xuất sản phẩm như điện thoại, màn hình TV phẳng… hay cung cấp điện năng cho xe ô tô lai ghép. Với yêu cầu ngày càng gia tăng về tiết kiệm năng lượng trong các thiết bị, công nghệ vật liệu tiên tiến sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phát triển các pin nhiên liệu, xe lai ghép, gió và năng lượng mặt trời, các cấu trúc thông minh và thậm chí năng lượng nguyên tử.
Công nghệ y sinh (Biomedical Engineering – BME): Áp dụng các nguyên lý kỹ thuật và các khái niệm thiết kế cho y học và sinh học nhằm phục vụ mục đích y tế (ví dụ chẩn đoán hoặc điều trị). Lĩnh vực này tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa kỹ thuật và y học, kết hợp kỹ năng thiết kế và giải quyết vấn đề kỹ thuật với các khoa học y học và sinh học để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, bao gồm chẩn đoán, theo dõi và điều trị. Sự tiến hóa như vậy là phổ biến khi một lĩnh vực mới chuyển từ một chuyên ngành liên ngành giữa các lĩnh vực đã được thành lập, để được coi là một lĩnh vực riêng của mình. Các ứng dụng kỹ thuật y sinh học nổi bật bao gồm: Sản xuất chân tay giả sinh học, các thiết bị y tế chẩn đoán và điều trị, từ thiết bị lâm sàng đến cấy ghép vi mô, các thiết bị chụp ảnh y tế, tăng mô tái tạo, thuốc dược phẩm và sinh học điều trị.
PGS Trần Văn Tớp cho biết, đối tượng tuyển sinh của chương trình này là các thí sinh đã trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh 2017 với số điểm cao nhất. Những thí sinh này sẽ được sàng lọc tiếp thông qua một kỳ thi sát hạch để “chọn người tài trong số những người giỏi” với yêu cầu rất cao.
Cụ thể, họ sẽ phải đọ sức tiếp với 2 môn toán và lý. Với những chuyên ngành cần tiếng Anh, họ sẽ phải thi thêm môn tiếng Anh.
“Lớp học của chương trình này chỉ khống chế ở quy mô dưới 20 sinh viên/mỗi lớp. Trừ những ngành không có tiến sĩ, tất cả các giáo viên dạy trong chương trình đều có học vị từ tiến sĩ trở lên. Nhà trường sẽ mời cả các giáo sư nước ngoài về giảng dạy” – ông Tớp thông tin.
Do đây là chương trình đặc biệt nên ngoài việc thiết kế với những yêu cầu cao về chuẩn đầu vào và đầu ra, Đại học Bách khoa Hà Nội còn phối hợp với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp để tham khảo nhu cầu nguồn nhân lực với mong muốn tạo cơ hội đầu ra lớn đối với các sinh viên này.
Sau khi công bố điểm tuyển sinh và ổn định công tác xét tuyển, kỳ thi sàng lọc cho ELITECH dự kiến sẽ được tổ chức sau ngày 14/8/2017.