Công nghệ thủy phân bằng enzyme tự nhiên giúp sản phẩm của startup Phú Long giữ được phần lớn dưỡng chất, mang lại hiệu quả cao.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ngoài việc áp dụng cách thức sản xuất truyền thống, nhiều startup đã áp dụng các phương pháp mới trên nền tảng khoa học. Trong đó, Công ty Cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long (Wealth Dragon) là một trong những startup tiêu biểu ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị cây dừa.
Với 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu về cây dừa tại Viện Nghiên cứu dầu và Cây có dầu, Thạc sĩ Ngô Thị Kiều Dương đã thành lập startup Mỹ phẩm Dừa Phú Long từ năm 2016.
Nhà sáng lập định hướng chuyên sản xuất và bán các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguyên liệu thiên nhiên. Sau hơn một năm nghiên cứu và phát triển, năm 2017, chị Kiều Dương bắt đầu ra mắt những sản phẩm tinh dầu dừa hoạt hóa và các loại tinh dầu thiên nhiên như sả, chanh, bưởi, bạc hà…
Với lợi thế về công nghệ, chị Dương ứng dụng công nghệ thủy phân bằng hệ enzyme tự nhiên để chiết xuất tinh dầu dừa.
Quy trình công nghệ sản xuất dầu dừa hoạt hóa: tách cơm dừa – thu dịch sữa dừa – thủy phân dịch sữa dừa bằng enzyme – phân tách lớp dầu – lọc dầu dừa – chiết chai. Ảnh: Wealthdragon.vn |
Phương pháp này không trải qua nhiều công đoạn xử lý và gia nhiệt, do đó giữ lại hầu hết các chất chống oxy hóa như flavonoid, phenol và tocotrienol vốn nhạy cảm với nhiệt độ cao, dễ bị mất đi khi áp dụng phương pháp truyền thống. Trong đó tocotrienol là dạng vitamin E tự nhiên có hoạt tính cao hơn 50 lần vitamin E thông thường.
Tinh dầu dừa chiết xuất theo công nghệ thủy phân bằng hệ enzyme tự nhiên dễ dàng thẩm thấu vào tế bào, không gây cảm giác nhờn rít, không tạo mùi dừa nặng và gắt như bình thường.
Ngoài ra, startup Phú Long cũng tận dụng nguồn nguyên liệu bưởi da xanh vốn bị bà con nông dân bỏ đi để chiết xuất tinh dầu. Điều này cũng góp phần gia tăng thu nhập cho bà con nông dân của hợp tác xã bưởi da xanh Nhơn Thạch.
Với chị Dương, quá trình từ nghiên cứu đến cho ra sản phẩm hoàn chỉnh mất nhiều thời gian và cần chuẩn bị kỹ lưỡng. “Tôi làm như nhà khoa học, cái gì cũng e dè. Phải tự tin với sản phẩm tôi mới bắt đầu tiến hành. Đó cũng là lý do danh mục sản phẩm của Phú Long hiện chưa đa dạng như nhiều công ty khác”, chị Dương tâm sự.
Các sản phẩm mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Phú Long đều bào chế từ các nguyên liệu thiên nhiên, không sử dụng cồn, hóa chất paraben và các chất nhũ hóa, chất tẩy, tạo màu khác. Ảnh: Wealthdragon.vn |
Bên cạnh việc đầu tư hệ thống trang thiết bị, nhà xưởng theo quy chuẩn, sản phẩm mỹ phẩm Phú Long trải qua nhiều khâu như bào chế, thử nghiệm, kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Sở Y tế. Bắt tay vào sản xuất, nguồn nguyên liệu chất lượng được chị Dương đặc biệt ưu tiên và coi đó là yếu tố quan trọng trong việc phát triển sản phẩm.
Đơn cử, với sản phẩm tinh dầu dừa, chị chọn xã Phú Long, huyện Bình Đại để đặt xưởng sản xuất và sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương này. Theo chị Dương, cây dừa cho chất lượng và năng suất tốt hơn khi được trồng tại những vùng sinh thái nước lợ như nơi đây.
Từ công nghệ thủy phân bằng hệ enzyme tự nhiên, chị Dương cũng cho ra đời các loại tinh dầu chống muỗi Lomos từ dầu dừa hoạt hóa, tinh dầu sả chanh và tinh dầu tràm… Đây là sản phẩm chống muỗi 100% thiên nhiên, an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên.
Một trong những động lực thôi thúc chị Dương sản xuất dòng sản phẩm này là sự lo ngại về tác dụng phụ của các loại thuốc chống muỗi với sức khỏe con người, đặc biệt là các loại thuốc chứa DEET (N, N-diethyl-3-methylbenzamide).
“Nhiều sản phẩm thông dụng chứa hàm lượng DEET 13- 15%, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo, hàm lượng DEET trong mỗi sản phẩm chỉ nên chứa thấp hơn 10% để tránh ảnh hưởng đến môi trường xã hội và thế hệ mai sau”, chị Dương cho biết.
Chị Dương cho biết muốn làm những mặt hàng thiên nhiên có mức giá trung bình, làm sao để những mặt hàng này có thể dễ dàng tiếp cận những người nông dân (nhóm khách hàng đang sử dụng sản phẩm chống muỗi hóa học nhiều nhất), từ đó góp phần giảm lượng DEET cho môi trường và xã hội.
Chị Ngô Thị Kiều Dương (thứ ba từ trái qua) cùng đội ngũ chụp ảnh cùng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tại Tech fest 2018. Ảnh: Wealthdragon.vn |
Với dự án dầu chống muỗi, startup Phú Long đã đạt giải Nhì cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 tại An Giang.
Sản phẩm nhận được nhiều phản hồi tích cực của người tiêu dùng, hiện được bán tại nhiều nhà thuốc, đơn vị bán lẻ tại thị trường miền Nam. Tại Hà Nội, sản phẩm được bán tại siêu thị Big C Thăng Long. Khách hàng quan tâm có thể mua sản phẩm trực tuyến tại website công ty và sàn thương mại điện tử Lazada.
Hà Trương