Phân tích máu từ lâu đã là một trong những công cụ quan trọng nhất của các nhà khoa học pháp y. Giờ đây, một xét nghiệm máu mới do Igor Lednev và các cộng sự tại trường Đại học Albany triển khai, có triển vọng xác định tuổi của nạn nhân hoặc đối tượng tình nghi dựa vào các mẫu thu thập từ hiện trường vụ án trong vòng một giờ.

Nếu không có mẫu máu, việc điều tra sẽ gặp khó khăn hơn nhiều. Một người bình thường có khoảng 4,7 – 5,5 lít máu, máu có xu hướng văng ra khắp nơi tại hiện trường phạm tội khi tội phạm gây án. Đây chính là một kho tàng cung cấp thông tin thực tế. Dựa vào cách máu bắn ra tại hiện trường, điều tra viên có thể suy luận nhiều về các sự kiện đã xảy ra, nguyên nhân tử vong và nghi phạm nếu có. Khi mẫu máu được đưa trở lại phòng thí nghiệm, các điều tra viên sẽ thu thập thêm nhiều thông tin như đây có phải máu người không, chủng tộc và giới tính của nghi phạm hoặc nạn nhân, mức độ nhiễm độc hoặc sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe chung và (xác định xem mẫu máu phù hợp có nằm trong cơ sở dữ liệu hay không) cung cấp ID đáng tin cậy như dấu vân tay.

Tuy nhiên, mẫu máu được thu thập từ hiện trường không cung cấp thông tin về tuổi thọ của người đang được tìm kiếm, đây là điều rất quan trọng trong nhiều trường hợp để tạo niềm tin hoặc trả tự do cho người vô tội. Lý do là vì để xác định tuổi của một người, bạn cần phải có một yếu tố thay đổi theo thời gian. Kỹ thuật phổ biến nhất là xem xét răng và xương của một người. Sự phát triển của răng, cách răng mọc và bệnh lý cho biết rất nhiều thông tin về tuổi của một người. Xương cũng được chú ý trong khám nghiệm tử thi và tia X có thể xác định sự phát triển của xương, cách xương hợp nhất khi một người lớn và trưởng thành và cách môi trường ảnh hưởng đến xương.

Tuy nhiên, với máu hơi phức tạp hơn một chút. Nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm thành phần trong máu người thay đổi khi một người già đi và có thể được xác định và định lượng tại phòng thí nghiệm trong thời gian rất ngắn. Các nhà nghiên cứu đã xác định được hemoglobin – phân tử protein phức tạp được tìm thấy trong các tiểu thể màu đỏ vận chuyển ôxy khắp cơ thể và tạo cho máu màu đỏ. Nhưng điều thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học là sự thay đổi hemoglobin khi một người lớn lên.

Kỹ thuật mới của nhóm nghiên cứu dựa vào quang phổ Raman, nơi mẫu máu được chiếu bằng chùm tia laser, khiến cho các nguyên tử trong mẫu chuyển sang trạng thái năng lượng khác nhau. Khi chúng trở lại bình thường, bức xạ điện từ phát ra cho phép cán bộ điều tra xác định thành phần và cấu trúc của các phân tử. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm các tiểu đơn vị phân tử trong hai loại hemoglobin – hemoglobin

 

trong bào thai (HbF) được tìm thấy ở trẻ sơ sinh và hemoglobin ở người lớn (HbA). Khi một người lớn lên, tỷ lệ HbF/HbA tăng ít hơn, do đó, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ các tình nguyện viên trong ba nhóm tuổi – trẻ sơ sinh, thiếu niên và người trưởng thành. Sau đó, các hemoglobin được đưa qua quang phổ Raman và tỷ lệ HbF/HbA trong các tế bào hồng cầu trên 100 ml máu được đo lường.

Đến nay, nhóm nghiên cứu có thể xác định các mẫu ở người lớn và thiếu niên với độ chính xác là 99% và với trẻ sơ sinh là 100%. Quá trình này có ưu điểm diễn ra nhanh và không phá hủy. Ngoài ra không cần chuẩn bị mẫu, có nghĩa là nó có thể được sử dụng trong lĩnh vực này cùng với các xét nghiệm thông thường. Bước tiếp theo các nhà khoa học sẽ điều chỉnh thử nghiệm với hy vọng thu hẹp kết quả đến độ tuổi cụ thể hơn. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Central Science.

N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/crime-scene-bloodstains-age/55150/