Ngoài các yếu tố về lối sống như hoạt động thể chất, đặc điểm tính cách lạc quan có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Tại Hoa Kỳ, có khoảng 15 triệu – hoặc 1 trên 9 – phụ nữ hiện đang sống chung với bệnh tiểu đường. Nghiên cứu mới cho thấy sự lạc quan có thể có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2 ở phụ nữ mãn kinh.
Một loạt các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Một vài yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được chẳng hạn như chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và cân nặng. Những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi bao gồm dân tộc, gen và tuổi.
Một số nghiên cứu gần đây do tiến sỹ Juhua Luo, Trường Y tế Công cộng – Đại học Indiana (Bloomington) đứng đầu đã cho thấy tâm lý của một người cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của họ. Các triệu chứng trầm cảm, ví dụ, tương quan mạnh mẽ với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, và các nhà nghiên cứu cho rằng trầm cảm, một trong số các yếu tố nguy cơ – cho thấy là dấu hiệu nguy cơ cao đối với bệnh tiểu đường”. Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí của Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ (NAMS).
Hơn nữa, các nghiên cứu khác cho rằng “bệnh trầm cảm” cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cũng như làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng chuyển hóa ở phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, ít nghiên cứu xem xét đến tác dụng bảo vệ có thể có của một số đặc điểm tính cách như lạc quan, vui vẻ, đối với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Các nhà khoa học đã kiểm tra dữ liệu thuộc dự án nghiên cứu Women’s Health Initiative (WHI) để xem xét liệu những đặc điểm tích cực như lạc quan có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở phụ nữ sau mãn kinh hay không. WHI là một nghiên cứu quan sát dài hạn nhằm mục đích ngăn ngừa một loạt các tình trạng mãn tính ở phụ nữ.
Sự lạc quan làm giảm rủi ro 12%
Luo và đồng nghiệp sử dụng dữ liệu bao gồm 139.924 phụ nữ mãn kinh không bị tiểu đường khi bắt đầu nghiên cứu. Trong suốt 14 năm theo dõi lâm sàng, có đến 19.240 trường hợp bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Các nhà khoa học đã đánh giá các đặc điểm tính cách của phụ nữ và chia ra thành 4 phần. Họ phát hiện ra rằng, so với những phụ nữ thuộc nhóm lạc quan thấp nhất, những người lạc quan nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 12%. Ngược lại, những phụ nữ có khả năng biểu lộ cảm xúc tiêu cực cao nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 9% và những người trong nhóm có trạng thái cảm xúc thù hằn có khả năng mắc bệnh cao hơn 17%.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa nhóm có trạng thái cảm xúc thù hằn và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở phụ nữ béo phì ít mạnh hơn.
Luo và đồng nghiệp kết luận: “Sự ít lạc quan và tiêu cực cao và trạng thái cảm xúc thù hằn có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở phụ nữ sau mãn kinh, nó không phụ thuộc vào các hành vi sức khỏe chính và các triệu chứng trầm cảm. Ngoài những nỗ lực thúc đẩy tạo ra các hành vi lành mạnh, các đặc điểm tính cách của phụ nữ nên được xem xét để hướng dẫn các chiến lược can thiệp lâm sàng hoặc lập trình trong phòng ngừa bệnh tiểu đường”.
Tiến sĩ JoAnn Pinkerton, giám đốc điều hành của Nams, nhận xét: “Đặc điểm tính cách gần như luôn ổn định, khó thay đổi trong suốt cuộc đời, do đó, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường có tinh thần lạc quan thấp, có sự tiêu cực cao và trạng thái cảm xúc thù hằn sẽ cần có các chiến lược phòng ngừa bệnh phù hợp với từng loại tính cách cho họ”.
“Ngoài việc xem xét các đặc điểm tính cách để xác định những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn, cũng nên sử dụng nhiều hơn các chiến lược điều trị và giáo dục cá nhân”, Tiến sĩ Pinkerton nói thêm.
P.T.T (NASATI), theo https://www.medicalnewstoday.com/articles/324297.php,