Phân bố của cải và thu nhập đang hướng đến hội tụ toàn cầu. Ngoại trừ những thảm hoạ toàn cầu lớn và mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại, thế giới dường như vẫn giàu có hơn vào giữa thế kỷ này. GDP thế giới dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng nhanh chóng và tích tụ của cải được dự đoán cũng sẽ tiếp tục tăng nhanh. Nhưng liệu đó có phải là một thế giới tốt hơn hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thu nhập và của cải được phân bố như thế nào trên toàn cầu và trong các quốc gia.

Hiện tại, khoảng cách giàu sang giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển vẫn còn lớn, mặc dù có thu hẹp trong nhiều thập kỷ. Cho đến năm 2060, chênh lệch về GDP bình quân đầu người được cho là sẽ tiếp tục thu hẹp giữa các nước; Mức thu nhập bình quân đầu người của các nền kinh tế nghèo nhất hiện nay sẽ tăng hơn bốn lần (tính theo sức mua tương đương năm 2005), trong khi chỉ tăng gấp đôi ở các nền kinh tế giàu nhất; Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán sẽ có thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp 7 lần. Sự hội tụ kinh tế này trong hầu hết các trường hợp trùng khớp với gia tăng năng lực STI ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Có thể đạt được năng lực này bằng nhiều cách khác nhau, đáng chú ý là thông qua các khoản đầu tư cho giáo dục và NC&PT tại các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu ở các cơ sở ngoài OECD. Kết nối với các nguồn tri thức nước ngoài, ví dụ như thông qua thương mại, FDI, luân chuyển nhân lực và hợp tác NC&PT, cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cấp công nghệ của các nền kinh tế mới nổi.

Sự phân rẽ cục bộ về thu nhập và của cải
Trong những năm tới, bất bình đẳng tại các quốc gia sẽ gây ra những rủi ro về chính trị, xã hội và kinh tế. Ở phần lớn các nước tiên tiến, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đã đạt đến mức cao nhất trong ba thập kỷ. Hiện nay, 10% dân số giàu nhất trong khu vực OECD có thu nhập cao gấp gần 10 lần thu nhập của 10% dân số nghèo nhất, tăng lên so với 7 lần trong những năm 1980, mặc dù tỷ lệ này rất khác nhau giữa các nước OECD. Dân số trong độ tuổi lao động, kể cả các gia đình có con, là những người phải chịu gánh nặng bất bình đẳng gia tăng, đi kèm với tình trạng thất nghiệp gia tăng trong những năm gần đây. Chênh lệch về thu nhập rộng hơn đồng hành với sự thay đổi về độ tuổi của người có thu nhập thấp, với những người trẻ tuổi thay thế cho người cao tuổi trở thành nhóm có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói, xu hướng này đã bắt đầu xuất hiện từ giữa những năm 1980.

Các phân tích gần đây cho thấy bất bình đẳng gia tăng trong thu nhập và của cải có thể vẫn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Trong trường hợp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, có hơn hai phần ba số quốc gia, chiếm 86% dân số các nước đang phát triển, sẽ phải đương đầu với bất bình đẳng gia tăng. Đối với nhiều người, triển vọng trợ giúp lâu dài đặc biệt ảm đạm: vào năm 2030, khoảng 2/3 số người nghèo trên thế giới có thể sống ở các quốc gia thu nhập thấp.

Trong chừng mực mà thay đổi công nghệ và đổi mới sáng tạo có thể làm thay đổi cách thức triển khai nguồn vốn và lao động trong nền kinh tế, chúng có những ảnh hưởng đến sự phân bố thu nhập. Đổi mới sáng tạo sẽ làm tăng bất bình đẳng vì lợi ích chủ yếu đổ dồn vào các nhà đổi mới và có thể cả khách hàng của họ. Để tất cả những người tham gia trong xã hội được hưởng lợi, phổ biến đổi mới sáng tạo là cần thiết. Liên quan đến việc làm, hầu hết các công nghệ mới đều đòi hỏi phải sử dụng trình độ kỹ năng cao hơn mức kỹ năng của các công nghệ mà chúng thay thế, điều này được gọi là “sự thay đổi công nghệ thiên về kỹ năng”. Bên cạnh đó công nghệ có thể trực tiếp thúc đẩy hòa nhập xã hội và tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, những khái niệm mới như đổi mới xã hội, đổi mới tằn tiện, đổi mới hòa nhập và tinh thần khởi nghiệp xã hội đang dẫn tới các mô hình kinh doanh sáng tạo mới và có thể đưa đến một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với đổi mới sáng tạo.

Trình độ giáo dục gia tăng
Cơ hội tiếp cận giáo dục và tiếp thu kiến thức và kỹ năng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để cải thiện đời sống – không chỉ ở các nền kinh tế tiên tiến, mà còn và đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Trình độ học thức giáo dục trung bình ở các nước đang phát triển sẽ tăng nhanh hơn so với ở các nền kinh tế tiên tiến, khoảng cách giữa hai khối nước sẽ thu hẹp dần. Số sinh viên trên toàn cầu theo học chương trình đại học được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi lên 262 triệu vào năm 2025. Gần như tất cả sự tăng trưởng này sẽ diễn ra ở các nước đang phát triển, với hơn một nửa ở Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, vào giữa thế kỷ này, có khả năng phần lớn tầng lớp trẻ tuổi trên thế giới sẽ đều có bằng đại học hoặc cao đẳng. Ở hầu hết các nước OECD, tỷ lệ dân số có bằng đại học vào năm 2025 có thể tăng lên, thậm chí tăng mạnh trong một số trường hợp.

Bệnh truyền nhiễm
Các ranh giới chia cách có thể tồn tại trong một thời gian không chỉ đối với công nghệ, giáo dục, thu nhập và của cải, mà cả về sức khoẻ. Các hệ thống chăm sóc sức khoẻ tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng tăng, nhất là bức tranh toàn cảnh về bệnh tật đang thay đổi nhanh chóng. Tiến bộ đã đạt được trong cuộc chiến chống một số bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, HIV/AIDS và sốt rét. Tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS đã giảm đáng kể trong những năm gần đây và số ca tử vong do bệnh lao (95% trong số đó xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình) đang suy giảm, mặc dù rất chậm. Khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt rét (với 90% số ca tử vong do sốt rét xảy ra ở châu Phi). Tuy nhiên, từ 2000 đến 2013, việc mở rộng các biện pháp can thiệp đã giúp giảm được 30% tỷ lệ mắc bệnh sốt rét trên toàn cầu và 34% ở châu Phi. Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ tử vong do sốt rét giảm khoảng 47% trên toàn thế giới và 54% ở châu Phi. Nhờ các biện pháp can thiệp mà tỷ lệ tuổi thọ đã tăng lên và hội tụ trên khắp thế giới. Tuy nhiên, các xu hướng đang diễn ra trong xã hội cho thấy tiến bộ trong việc chống bệnh truyền nhiễm trong tương lai có thể trở nên khó thực hiện hơn. Đô thị hoá đang tiếp tục gia tăng nhanh ở các nước đang phát triển; biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến các mẫu hình địa lý truyền bệnh của người và động vật (ví dụ như bệnh sốt rét); du lịch quốc tế phát triển; và mức di cư toàn cầu sẽ không giảm.

Nhưng có lẽ xu hướng đáng lo ngại nhất trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm đó là kháng thuốc kháng sinh. Loại thuốc này đang được sử dụng rộng rãi ở cả người và gia súc theo cách có lợi cho chọn lọc và lây lan vi khuẩn kháng thuốc. Ví dụ ở Hoa Kỳ, việc sử dụng kháng sinh trong ngành chăn nuôi chiếm khoảng 80% tổng tiêu dùng hàng năm. Từ năm 2010 đến 2030, tiêu thụ toàn cầu các loại kháng sinh trong ngành chăn nuôi dự đoán sẽ tăng khoảng 67%. Với việc sử dụng như vậy, thuốc kháng sinh đã trở nên kém hiệu quả hoặc thậm chí không hiệu quả. Tình trạng khẩn cấp về an ninh y tế toàn cầu đang tăng nhanh, vượt quá cả các phương án điều trị hiện có.

Bệnh không lây nhiễm và bệnh thần kinh
Mặc dù số ca tử vong hàng năm do bệnh truyền nhiễm được dự đoán sẽ giảm nhưng tổng số ca tử vong hàng năm do các bệnh không lây nhiễm (non-communicable diseases – NCD) sẽ tăng từ 38 triệu người năm 2012 lên 52 triệu vào năm 2030. Bệnh NCD bị tác động mạnh bởi các yếu tố như dân số già hóa, đô thị hoá không có kế hoạch và toàn cầu hóa lối sống không lành mạnh. Trong khi nhiều căn bệnh mãn tính phát triển chậm thì những thay đổi về lối sống và hành vi đang diễn ra nhanh và lan rộng. Những nguyên nhân tử vong hàng đầu do NCD vào năm 2012 là các bệnh về tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và tiểu đường. Bốn loại bệnh NCD này là nguyên nhân của 82% số ca tử vong do NCD. Bệnh NCD gây ảnh hưởng bất cân đối đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và các dự báo hiện tại chỉ ra rằng đến năm 2020, sự gia tăng tỷ lệ tử vong do NCD lớn nhất sẽ xảy ra ở châu Phi và các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Các căn bệnh thần kinh được dự báo sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới, bị tác động đặc biệt bởi tuổi thọ tăng và xã hội già hóa tăng nhanh. Ví dụ, Tổ chức Alzheimer’s Quốc tế (ADI) ước tính rằng 46,8 triệu người trên thế giới mắc chứng sa sút trí tuệ vào năm 2015 và con số này sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 20 năm, đạt 76 triệu vào năm 2030 và 135 triệu vào năm 2050. 58% tổng số những người mắc bệnh mất trí sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Tỷ lệ này theo ước tính tăng lên 63% vào năm 2030 và 68% vào năm 2050.

Tiến bộ trong nghiên cứu y học và công nghệ
Tuổi thọ gia tăng và chất lượng cuộc sống được cải thiện trong thế kỷ qua chủ yếu nhờ vào đóng góp của những thành quả nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực y sinh nhằm điều trị các căn bệnh hiểm nghèo và chứng bệnh suy nhược. Tuy nhiên, những thách thức đối với y tế toàn cầu trong những thập kỷ tiếp theo là rất lớn. Nhưng chính phạm vi của những thách thức liên quan đến thế giới đang phát triển và cả các nền kinh tế tiên tiến đã tạo ra nhiều cơ hội cho các phương pháp y học mới và tiên tiến, các phép trị liệu chuyên môn hóa, các loại thuốc và giải pháp công nghệ mới, cũng như việc triển khai và áp dụng các hệ thống dự phòng, phối hợp và quản lý chăm sóc sức khoẻ. Nghiên cứu dược phẩm đang bước vào một kỷ nguyên khoa học mở mới và sử dụng các công nghệ hội tụ để khám phá những cơ chế di truyền và sinh hóa của bệnh tật. Những tiến bộ công nghệ trong lập trình tự ADN, các công nghệ omics, sinh học tổng hợp và chỉnh sửa gen đã mang lại cho các nhà nghiên cứu các công cụ mới để giải mã và điều trị bệnh NCD mãn tính. Công nghệ số – bao gồm cả IoT (ví dụ: cảm biến y học, định lượng chuyển động…), phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo sẽ làm tăng mạnh số lượng dữ liệu y học và nâng cao năng lực phân tích dữ liệu trong dịch vụ ra quyết định. Các công nghệ robot và thần kinh cũng có khả năng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế. Mặc dù vẫn còn ở quy mô nhỏ và hạn chế, nhưng các nhóm khoa học DIY và cộng đồng các nhà chế tạo có thể sẽ ngày càng tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, được tạo khả năng bằng các công nghệ tiên tiến chi phí thấp như sinh học tổng hợp và chế tạo đắp dần (additive manufacturing) cho phép họ nghiên cứu và phát triển các liệu pháp chữa bệnh và thiết bị y tế riêng của mình.

NASATI (theo OECD Science, Technology and Innovation Outlook)