Mitsuishi Electric hỗ trợ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phòng thực hành PLC phục vụ cho công tác đào tạo

(Báo Công thương) Ngành công nghiệp 4.0 đang đưa ra rất nhiều cơ hội đồng thời giải quyết nhiều thách thức trong việc thúc đẩy lực lượng lao động trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, cũng như tạo thêm nhiều việc làm trong môi trường công nghệ cao đang dần phát triển.

Nhân lực giá rẻ không còn là lợi thế

Việt Nam từ lâu đã phụ thuộc vào dòng vốn FDI phát sinh từ chi phí lao động thấp, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, tài nguyên và các chương trình ưu đãi thuế, đất đai. Bước lên 4.0, xu hướng các dòng vốn FDI sẽ có sự dịch chuyển đến các thị trường mà có thể tận dụng được sức mạnh của CMCN 4.0 tại đó tốt hơn. Theo đó, robot từ xa, điện toán đám mây, thực tế ảo, trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn và tự động hóa sẽ giúp đưa ra những chi phí cùng môi trường sản xuất hiệu quả hơn.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định “Về lâu dài đã có dự báo là đến 86% lao động của ngành may mặc và da giày của Việt Nam sẽ mất việc trong vòng 15 năm tới”. Bởi khi máy móc thay thế con người thì nhiều lao động với tay ghề thấp sẽ bị mất việc. Bên cạnh đó lao động Việt Nam hay làm việc theo lối mòn, năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ có trình độ cao còn yếu kém. Trong bối cảnh các công việc mang tính sáng tạo và đòi hỏi kỹ năng tốt ngày càng được chú trọng, các nhà tuyển dụng sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao và thích nghi tốt với các thay đổi về cách thức sản xuất cũng như công nghệ mới. Do đó, Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo/giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với nhau để nâng cao kỹ năng cho công nhân, cho phép họ chuyển đổi tự do sang các cơ hội việc làm mới được tạo ra thông qua Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Giải quyết bài toán dài hạn

Hiện phần lớn các cơ sở đạo tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn nhân lực cho CMCN 4.0, chúng ta mới đang chỉ đáp ứng được cho 2.0 đến 3.0. Theo ý kiến của ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Điều hành Không gian Sáng tạo và Khởi nghiệp TP HCM – Shihub, cho rằng một trong những đặc thù của cách mạng 4.0 là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Lẽ ra, trường đại học phải dạy kỹ sư khả năng tích hợp được nhiều kiến thức bằng phương pháp STEM (tức trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) thì trong 350 trường ĐH ở Việt Nam, chỉ có 12 trường có được nhóm giảng viên được trang bị kiến thức giảng dạy bằng phương pháp STEM. Nghĩa là giảng viên dạy môn cơ khí phải tích hợp được môn tự động hóa, điện tử, công nghệ thông tin vào để kỹ sư cơ khí ra trường có thể thiết kế được tủ lạnh có thể truyền dữ liệu.


Toyota hỗ trợ Đại học Công nghiệp Sao Đỏ đầu tư xây dựng Trung tâm thực hành

Trong khi có thể tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhiều nghiệp đã chủ động phối hợp và hỗ trợ các cơ sở đào tạo nâng cao năng lực đào tạo. Điển hình là các doanh nghiệp FDI như: Mitsuishi Electric phối hợp với Trường đại học Công nghiệp Hà Nôi, Toyota với Trường đại học Sao Đỏ, Bosh phối hợp với các trường ở Đồng Nai…

Ông Guru Mallikarjuna – Tổng giám đốc Bosch Việt Nam cho biết “Trong 10 năm qua chúng tôi phát triển rất nhanh, năm 2017 chúng tôi đã có 3.500 cộng sự và phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: Nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Từ năm 2013 Bosch đã hợp tác với trường cao đẳng nghề Lilama 2 và Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức để mở Chương trình đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn nâng cao nguồn lao động chất lượng với tay nghề cao”.

Tại trung tâm đào tạo của Bosch, các học viên được thực tập trên hệ thống máy móc theo công nghệ mới nhất và các kỹ năng mềm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. “Là đơn vị tiên phong trong việc cung cấp công nghệ và dịch vụ toàn cầu tại Việt Nam, chúng tôi tin là có thể hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương và các đối tác để nhân rộng mô hình liên kết này ra cả nước”, ông Guru Mallikarjuna nhấn mạnh.

Và theo như ông Denis Brunetti – Đồng Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam và Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanamar, Campuchia và Lào chia sẻ thì “Việt Nam vẫn đang tiếp tục là một trong những điểm thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp châu Âu. Một số ngành công nghiệp đang thu hút đầu tư đáng kể bao gồm sản xuất, giao thông vận tải, du lịch, giáo dục, y tế, thực phẩm và đồ uống, ngành công nghiệp sản xuất ô tô, v.v… Các khoản đầu tư này sẽ tiếp tục được tăng trong những năm tới, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được phê chuẩn vào cuối năm nay”.

Điều quan trọng bây giờ của Việt Nam là chủ động nâng cao trình độ của công nhân hiện tại cũng như bắt đầu giáo dục học sinh sinh viên sẵn sàng cho những công việc của tương lai. Điều này cũng sẽ giúp đất nước cải thiện năng lực đổi mới của mình. Và đây cũng là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam đang nâng cao chuỗi gia trị và ngày càng tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao” – ông Denis Brunetti nhấn mạnh.