Là hai thanh niên trẻ, cùng quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Trần Văn Khoái (SN 1990) và chị Đặng Quỳnh Trâm (SN 1991) cùng trú tại TDP 10, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân sau nhiều năm bôn ba, trải qua nhiều công việc mà không hiệu quả đã quyết định lập nghiệp tại quê nhà.

Chị Đặng Quỳnh Trâm bên mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Ảnh: TT

Chia sẻ về quyết định về quê lập nghiệp, anh Trần Văn Khoái cho biết: “Trước đây, tôi từng trải qua nhiều công việc, kết quả thu lại chỉ là con số không. Xa quê nhiều năm, bây giờ tôi muốn được cống hiến, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Qua nghiên cứu sách báo, mạng internet và tham quan nhiều mô hình trồng dưa lưới tại nhiều địa phương khác nhau, nhận thấy đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi rủ thêm em Đặng Quỳnh Trâm (cùng quê) để cùng phát triển loại cây này tại địa phương”.

Mô hình trồng dưa lưới mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cây trồng ở địa phương. Ảnh: TT

Nói là làm, đầu năm 2019 sau khi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, anh Trần V ăn Khoái và chị Đặng Quỳnh Trâm đã quyết định lập Tổ hợp tác An Xuân, đầu tư hơn 600 triệu đồng để xây dựng 3.000 m2 nhà màng, hệ thống tưới nước tự động và trồng 9.000 cây dưa lưới giống TL3.

Nói về những khó khăn ban đầu mà Tổ hợp tác An Xuân phải trải qua, chị Đặng Quỳnh Trâm tâm sự: “Chúng tôi là thanh niên trẻ tuổi, mới bước chân vào khởi nghiệp nên gặp khó khăn về nguồn vốn. Chúng tôi phải vay mượn gia đình, bạn bè để có chi phí trang trải cho các hoạt động.

Chăm sóc đúng kỹ thuật, dưa lưới của Tổ hợp tác An Xuân cho quả to, đẹp, chất lượng cao. Ảnh: TT

Bên cạnh đó, chúng tôi không được học hành bài bản về sản xuất nông nghiệp nên gặp khó khăn về kỹ thuật chăm sóc cây, thời gian đầu năng suất cây mang lại hiệu quả chưa cao.

Năm nay, dưa lưới được chăm sóc tốt, chất lượng cao, đạt năng suất hơn 7 tấn/năm, trong khi năm trước chỉ được 5,5 tấn. Dưa lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên trong tổ hợp tác”.

Anh Trần Văn Khoái chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: TT

 Do được chăm sóc kỹ lưỡng, đúng kỹ thuật nên dưa lưới của Tổ hợp tác An Xuân có khả năng kháng bệnh tốt, hình tròn đẹp, trọng lượng lớn, thịt dày, vỏ mỏng, mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng nên được rất nhiều thị trường khó tính lựa chọn và tin dùng.

Theo chị Trâm, giống dưa lưới TL3 xuất xứ từ Nhật Bản, hình dáng quả tròn đều, vỏ mỏng xanh nhạt, cấu trúc vân lưới chi chít và nổi rõ, thịt dày mịn có màu cam.

Ông Nguyễn Hồng Khoan – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Xuân, nhận định tổ hợp tác An Xuân là 1 trong 5 mô hình sản xuất dưa lưới tiêu biểu của địa phương. Ảnh: TT

Dưa khi ăn vào có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, giòn tan trong miệng, vị ngọt thanh mát ổn định. Đặc biệt, quả nào có vân lưới càng dày thì độ ngọt càng cao.

Mỗi năm, Tổ hợp tác An Xuân trồng 3 vụ dưa lưới, năng suất hơn 7 tấn/năm. Dưa lưới được thương lái thu mua tại vườn với giá 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Thành quả sau nhiều tháng ngày nỗ lực, cố gắng. Ảnh: TT

Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng dưa lưới còn giải quyết việc làm cho 7 lao động tại địa phương với mức lương 6 – 7 triệu đồng/tháng.

Dưa lưới An Xuân được đóng gói đẹp mắt để người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: TT

“Nhờ áp dụng kỹ thuật tốt, đạt năng suất cao, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt cho gia đình và cũng là mô hình điểm để các hộ dân học tập, giúp bà con phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này giúp bà con giải quyết nguồn lao động trên địa bàn, nâng cao kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo”, ông Nguyễn Hồng Khoan – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Xuân nhận định.

THEO TẬP THỎA

(Báo Dân Việt)