TP.HCM là một số ít đô thị bắt đầu triển khai đề án thành phố thông minh ở Việt Nam dựa trên cơ chế đặc thù – Ảnh: Internet

(Theo Một Thế Giới) Thành phố thông minh đang là mục tiêu và cũng là cuộc chạy đua khốc liệt của hầu hết các đô thị trên toàn cầu, nhưng cần phải hiểu bản chất của nó chứ không phải là dùng từ này một cách mỹ miều mà sáo rỗng.

Không hẹn mà gặp, cụm từ “thành phố thông minh” hay “đô thị thông minh” đang trở thành cụm từ gây sốt thời gian qua. Từ nửa sau năm 2017, chính quyền TP.HCM và một số tỉnh thành khác, như Thanh Hóa, cũng đã phê duyệt đề án xây dựng chính quyền điện tử và các dịch vụ thành phố thông minh. Hà Nội thậm chí còn lên kế hoạch từ cuối năm 2016. Thành phố/đô thị thông minh đang là mục tiêu và cũng là cuộc chạy đua của hầu hết các đô thị trên toàn cầu, nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta nên chạy theo xu hướng?

Một cách cơ bản, một thành phố thông minh là khái niệm về việc sử dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả vận hành các hoạt động quản lý đô thị và phục vụ người dân. Những ý tưởng ban đầu về khái niệm này xuất hiện khoảng hơn 10 năm trước, và ngày càng gần với việc trở thành hiện thực hơn với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ trong vài năm trở lại đây.

Hầu hết các thành phố hướng tới mục tiêu trở thành đô thị thông minh đều nhắm đến các lĩnh vực như: kiến trúc thông minh, hệ thống tiết kiệm tài nguyên và thiết lập những mạng lưới thông minh nhờ vào các công nghệ cảm biến và xu hướng Internet vạn vật (theo The Saigon Times).

Ở một góc độ nhất định, thành phố thông minh còn có thể xem là một phần quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 – một khái niệm thậm chí còn mới hơn. CMCN 4.0 là việc ứng dụng đột phá công nghệ để tạo ra thay đổi triệt để trong hàng loạt các lĩnh vực của một nền kinh tế, và thành phố thông minh vừa là nơi lý tưởng để hỗ trợ cho CMCN 4.0 lại vừa là một thành quả mang tính biểu tượng cho cuộc cách mạng này.

Chính vì là một phần của cuộc CMCN 4.0 – vốn vẫn đang là một khái niệm ở thì tương lai, nên ở thời điểm hiện tại có lẽ vẫn chưa có đô thị nào trên thế giới tự coi mình đã là một thành phố thông minh thực sự.

Nhưng, vẫn có những đô thị đang đi đầu trong cuộc chạy đua khốc liệt này, điển hình như Singapore. Quốc đảo này có riêng một Chương trình Quốc gia thông minh và có riêng một vị Bộ trưởng điều hành chương trình này. Tầm ảnh hưởng của chương trình này đa dạng và rộng khắp trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và quản lý của Singapore, từ y tế, môi trường cho đến giao thông và nhà ở.

Chính phủ điện tử và thành phố thông minh là mục tiêu và cũng là chiến lược hàng đầu của Singapore nhằm duy trì vị thế, sự phát triển và thịnh vượng quốc gia trong cuộc cạnh tranh toàn cầu trong tương lai. Không chỉ riêng Singapore, nhiều quốc gia và các thành phố trên thế giới đều coi thành phố thông minh là mục tiêu hàng đầu trong sự phát triển của mình, trong đó có Việt Nam. Nhưng, vì thành phố thông minh vẫn là một khái niệm chưa thực sự rõ ràng và tùy thuộc vào mỗi đô thị lại chọn một hướng đi riêng, nên việc lựa chọn theo đuổi mục tiêu thành phố thông minh cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Một trong những vấn đề lớn nhất của việc theo đuổi mục tiêu thành phố thông minh, là coi nó như một đồ trang sức hay một món hàng, để có thể đặt hàng một cách dễ dàng. Thật khó có thể tin rằng một công ty nào đó, kể cả khi là tập đoàn lớn đi nữa, lại có thể một mình thực hiện được thành phố thông minh.

Đúng là một tập đoàn có thể đề xuất thực hiện thành phố thông minh, và sau đó hợp tác với các tập đoàn khác trên nhiều lĩnh vực để phối hợp thực hiện dự án; nhưng nó cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Trước hết, xây dựng thành phố thông minh không phải là việc xây dựng một căn hộ theo kiểu chìa khóa trao tay.

Một chính quyền đô thị, khi trao quyền xây dựng tương lai của chính mình cho một vài tập đoàn theo kiểu đo ni đóng giày khi đi may đồ, cũng đồng nghĩa với một tương lai mịt mù. Một tương lai không do chính bản thân tạo dựng, thì chỉ là một thứ tương lai đi mượn. Chưa kể, không phải ai cũng luôn hài lòng trước một căn hộ mà chủ đầu tư trao cho, huống gì là cả một thành phố.

Như hầu hết các đô thị đang được xem là đi đầu trong việc xây dựng thành phố thông minh trên thế giới đã chỉ ra, nền tảng quan trọng nhất cho quá trình này là sự tự chủ của thành phố và chính quyền của nó. Không phải ngẫu nhiên khi các đô thị đi đầu trong lĩnh vực này đều có quyền hạn rất lớn, như Singapore (một đảo quốc – thành phố), hay Barcelona (gần như một khu vực tự trị có nhiều đặc quyền ở Tây Ban Nha) và Thượng Hải.

Một thành phố chỉ có thể kiến tạo tương lai theo ý muốn khi nó được tự làm chủ chính bản thân mình. Một cách căn bản, một thành phố thông minh là nơi chính quyền và người dân của nó tối ưu hóa các hoạt động của mình bằng cách ứng dụng công nghệ dựa trên đặc điểm riêng của bản thân; và vì thế điều kiện quan trọng nhất là một sự tự chủ đủ để cho phép nó làm thế.

Một khi vẫn còn bị ràng buộc chặt chẽ vào thiết chế và hệ thống quản lý, thì nó sẽ chỉ dẫn đến một kiểu thành phố thông minh ngộ nhận được tô điểm bằng một số ứng dụng công nghệ.

Không phải ngẫu nhiên khi chính quyền TP.HCM chỉ bắt tay vào đẩy mạnh việc thực hiện đề án thành phố thông minh sau khi được Quốc hội chấp thuận trao cơ chế đặc thù, trong đó cho phép tăng cường quyền hạn và sự tự chủ.

Đề án đặc khu kinh tế mới đây được trình lên Quốc hội có lẽ sẽ là một niềm hy vọng về một sự thay đổi, trong đó cho phép không chỉ các khu vực được quy hoạch để trở thành đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong) mà cả các tỉnh thành trong cả nước được tăng sự tự chủ trong các kế hoạch phát triển của chính mình. Đó là nền tảng cần thiết cho sự phát triển của các tỉnh và đặc biệt là các đô thị, mà thành phố thông minh chỉ là cái đích sau cùng.