(NASATI) Nhằm tháo gỡ khó khăn về công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng ông Dương Chí Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Geneva (Thụy Sỹ) mới đây đã có buổi gặp gỡ một số doanh nghiệp trao đổi về các công nghệ hiện đại và thị trường triển vọng trong đầu tư vào khu vực châu Âu, trong đó có Thụy Sỹ.

Tại buổi gặp, ông Dương Chí Dũng đã thông tin về một số Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ của Thụy Sỹ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông, lâm, thủy sản… Những công nghệ và dây chuyền sản xuất được giới thiệu có thể chế biến sâu từ sản phẩm thô đến sản phẩm thành phẩm theo quy trình khép kín, góp phần gia tăng giá trị nông sản của Việt Nam.

Các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn hiện nay trong đầu tư khoa học công nghệ ngoài vốn tín dụng, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng nguyên liệu lớn, còn là vấn đề bảo hộ các công nghệ mà doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu…

Bên cạnh đó, việc sớm ban hành quy chuẩn và tiêu chuẩn trong áp dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk nhấn mạnh: Chìa khóa thành công khi đầu tư vào nông nghiệp là công nghệ cao.

Về sản phẩm sữa, bà Hương cho biết: Khi áp dụng công nghệ doanh nghiệp đã tự chủ được nguồn giống, nhưng khi đã có công nghệ thì rất cần có khoa học quản trị để tạo ra hiệu quả kinh tế.

Nữ doanh nhân mong muốn các Bộ, ngành sớm ban hành các quy chuẩn về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, chỉ dẫn địa chỉ để doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp và yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ bám sát yêu cầu để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Geneva tổng hợp nhu cầu về các công nghệ chế biến mà doanh nghiệp đã đặt hàng để xúc tiến thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tập trung chế biến với công nghệ tiên tiến để gia tăng giá trị nông sản

Ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tăng trưởng của ngành thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp hiện nay có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, khâu yếu nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay là khâu chế biến và thương mại. Mặc dù Việt Nam đã có 10 mặt hàng xuất khẩu xếp thứ hạng cao trên thế giới nhưng chuỗi giá trị còn ngắn, chủ yếu chế biến thô, việc tổ chức thương mại và xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng nhiều…
Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, việc đẩy nhanh áp dụng các công nghệ chế biến hiện đại của các nước tiên tiến góp phần quan trọng trong giải quyết những khó khăn mà nông sản Việt Nam đang gặp phải.