Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Buffalo và Viện nghiên cứu khoa học sức khỏe Đức Trias i Pujol (IGTP) đã hợp tác chế tạo đầu dò từ trường mới để theo dõi một cách không xâm lấn và không ion hóa sự xuất hiện của các ống stent kim loại cũng như các lỗi cấu trúc tiềm ẩn thông qua phép đo phổ vi sóng (MWS). Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Bệnh động mạch vành (CAD) là nguyên nhân chính gây tử vong tại các nước phát triển. Bệnh thường do xơ vữa động mạch gây ra, với đặc trưng là sự tích tụ cholesterol và các chất béo khác trong thành mạch, tạo ra khối đông tụ gây đau thắt ngực hoặc đau tim. Các phương pháp điều trị bệnh động mạch vành như thay đổi trong lối sống để điều chỉnh các yếu tố gây nguy cơ cho mạch vành và sử dụng một số loại thuốc, nhưng khi sự cố tắc nghẽn mạch vành xảy ra, cần tiến hành điều trị phân bố lại mạch bằng cách can thiệp mạch vành qua da (PCI) hoặc phẫu thuật mạch vành.
PCI là thủ thuật xâm lấn tối thiểu liên quan đến việc giãn nở bong bóng tại khu vực bị tắc nghẽn và đưa ống stent nhỏ vào. Trong một số trường hợp và theo thời gian, stent mạch vành có thể bị lỗi do sự tăng sinh tế bào trở lại trong thành mạch gây cản trở mạch máu hoặc quá trình hình thành huyết khối, trong đó hiện tượng tắc nghẽn stent là do sự hình thành của huyết khối. Một số hiện tượng này có nguy cơ gây sự cố cao do cấu trúc kim loại của stent bị gãy hoặc đôi khi do thiếu tiếp xúc giữa thành động mạch và stent (đặt stent chưa đúng). Trong những trường hợp khác, sự giãn nở chưa đủ của stent làm giảm độ dày của nó.
Hiện chưa có công nghệ nào để phát hiện không xâm lấn các hiện tượng như gãy xương, đặt stent chưa đúng hoặc mở rộng chưa phù hợp, thậm chí là sự xuất hiện chứng suy nhược. Carolina Gálvez Montón, đồng tác giả nghiên cứu tại IGTP cho biết: “Các kỹ thuật xâm lấn như chụp X quang mạch vành, chụp siêu âm nội mạch và chụp cắt lớp kết nối quang rất tốn kém và không thể sử dụng được trên tất cả các bệnh nhân đặt stent mạch vành. Ngoài ra, các kỹ thuật này rất phức tạp và cần có thiết bị đặc thù không có sẵn ở tất cả các bệnh viện”.
“Đầu dò đo phổ vi sóng bao gồm một thiết bị nhỏ sinh ra sóng điện từ tương tự như sóng điện thoại di động, có thể phát hiện ra những thay đổi trong sóng đó nhờ có stent“, Ferran Macià, nhà nghiên cứu tại trường Đại học Buffalo nói.
Để kiểm tra đầu dò mới, các nhà khoa học “đã tiến hành cấy ghép stent dưới da cho mô hình chuột và phát hiện thấy sự hiện diện của các thiết bị cũng như những thay đổi do sự cố gãy thông qua sự thay đổi tần số cộng hưởng, phổ biến trong phổ hấp thụ vi sóng. Kết quả cho thấy sự xuất hiện của những thay đổi về chiều dài và đường kính của stent“, Gálvez-Montón nói.
Đặc biệt, nghiên cứu đã được thực hiện trên 5 động vật có kiểm soát với mô phỏng cấy ghép stent dưới da và 10 động vật thí nghiệm, trong đó một stent kim loại được đưa vào vùng dưới vai. Các phép đo cơ bản được thực hiện trước và sau khi cấy stent vào các ngày 0, 2, 4, 7, 14, 21 và 29. Ngoài ra, 5 động vật từ nhóm thí nghiệm được phân tích qua MicroCT trong cùng khoảng thời gian nghiên cứu. Sau 29 ngày, 3 con vật có stent bị gãy.
Kết quả là, kể từ khi stent xâm nhập mô xơ hóa như một phản ứng tự nhiên khi cấy dưới da, đầu dò mới đã phát hiện ra sự khác biệt lớn về thành phần của nó khi thực hiện theo dõi trong 30 ngày. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu có thể phân biệt bằng phổ vi sóng các stent đã bị gãy với những stent vẫn còn nguyên vẹn.
Antoni Bayés Genís, nhà nghiên cứu tại IGTP cho biết: “Chúng tôi cần thêm nhiều nghiên cứu để xác minh những kết quả này và chúng tôi cho rằng cần phải chuyển những thí nghiệm này sang mô hình tiền lâm sàng trong các mô hình động vật tương tự như con người. Công nghệ cần được chứng minh trong một nhóm bệnh nhân nhất định”.
Joan O”Callagan, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Chúng tôi đang nghiên cứu các khía cạnh công nghệ cho phép tiến hành thí nghiệm tiền lâm sàng, cũng như tác động của chúng trong một ứng dụng lâm sàng tương lai. Điều này liên quan đến việc chế tạo các thiết bị có khả năng phát hiện stent nằm ở vị trí sâu hơn và kỹ thuật phát hiện không bị ảnh hưởng bởi sự di chuyển của stent trong động mạch vành“.
N.P.D (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2018-10-non-invasive-stent-techniques.html,