Theo các tài liệu thống kê, Việt Nam là một trong 25 nước có mức đa dạng Sinh học cao nhất thế giới, ước tính có khoảng 20.000 – 30.000 loài thực vật. Ngày nay, do nhiều nguyên nhân như sự tăng dân số, nhu cầu lương thực và các nhu cầu khác ngày càng cao dẫn đến khai thác rừng và các nguồn tài nguyên khác quá mức. Bên cạnh đó thiên tai, dịch bệnh và sự phát triển nhanh của các giống cây trồng mới có năng suất cao dẫn đến nguồn tài nguyên di truyền ở nhiều vùng sinh thái đã suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng nơi có điều kiện canh tác thuận lợi, mật độ dân số cao, điều kiện kinh tế phát triển, nông dân có trình độ cao để tiếp thu và đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống cây trồng mới.
Thu thập nguồn gen góp phần làm đa dạng nguồn gen, bổ sung nguồn vật liệu khởi đầu cho công tác chọn tạo giống các cây nguyên liệu dầu phục vụ cho sản xuất. Đánh giá và tư liệu hóa nguồn gen nhằm thu thập các thông tin của mỗi nguồn gen, tư liệu hóa nhằm phục vụ cho bảo tồn nguồn gen cũng như cung cấp các thông tin về các nguồn gen để phục vụ cho các mục tiêu nghiên cứu khoa học.
Từ thực tiễn trên, ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư và nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, đã thực hiện đề tài “Thu thập, đánh giá nguồn gen cây nguyên liệu dầu” thuộc nhiệm vụ thường xuyên bảo tồn và lưu giữ nguồn gen thực vật và vi sinh vật ngành công nghiệp” với mục tiêu: Thu thập, đánh giá và tư liệu hóa nguồn gen cây nguyên liệu dầu.
Giống lạc địa phương VG4 mới thu thập đã được trồng khảo sát trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020 với các đặc điểm nông sinh học, yếu tố cấu thành năng suất, năng suất và phẩm chất. Trên cơ sở đánh giá về giống lạc địa phương từ tỉnh An Giang nhằm thu thập, bổ sung vào nguồn gen hiện có của Viện trong những năm trở lại đây.
Giống lạc VG4 thu thập từ An Giang có đặc điểm về màu sắc lá mầm màu xanh vừa, không có lông trên lá mầm, hình dạng lá mầm bằng phẳng. Khả năng phân cành cấp 1 của giống lạc VG4 đạt mức trung bình từ 5 – 7 cành/cây; thân dạng thẳng đứng, phần đầu hơi cong lên. Các chỉ tiêu về: Màu sắc thân, lông trên thân, kiểu sinh trưởng, kiểu phân cành của hai giống lạc thu thập đều giống với những giống lạc hiện đang canh tác trong nước.
Giống lạc VG4 có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm ngắn ngày, ở vụ Đông Xuân 2019 – 2020, thời gian thu hoạch của giống lạc là 90 ngày sau gieo, thời gian ra hoa đạt mức trung bình ở 25 – 26 ngày sau khi gieo. Đối với chỉ tiêu về chiều cao, giống lạc VG4 có chiều cao đạt 51cm. Đặc điểm về chiều cao này phù hợp với vùng sản xuất của giống lạc.
Đánh giá về chỉ tiêu sinh trưởng, giống lạc VG4 thuộc nhóm hữu hạn, bộ rễ có khả năng cố định đạm ở mức cao. Đối với chỉ tiêu về độ rộng của tán lá ở giống lạc này được đánh giá là rộng (51cm); màu sắc lá chét có màu xanh vừa; lá có kích cỡ trung bình với chiều dài lá 5,3cm và chiều rộng 3,8cm.
Đánh giá về các chỉ tiêu hoa, quả và hạt cho thấy giống lạc VG4 thuốc nhóm giống có hoa màu vàng đậm, hoa được đính ở nách lá, mỗi nách có từ 3 – 5 hoa. Sau khi thụ phấn hoa đậu sẽ đâm tia xuống đất và quả lạc được phát triển ở dưới mặt đất. Quả lạc sau khoảng 45 ngày sẽ già và có thể thu hoạch được. Đối với màu sắc hạt sau khi phơi khô và bóc vỏ, bên ngoài hạt sẽ có một lớp vỏ lụa và lớp vỏ này đối với giống lạc VG4 có màu hồng nhạt, vỏ hạt mỏng.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả sau:
– Thu thập bổ sung nguồn gen: Đã thu thập được 01 mẫu giống lạc VG4 từ Phú Vĩnh, Tân Châu, An Giang; 01 mẫu giống vừng VS3 từ Mỹ Thọ, Cao Lãnh, Đồng Tháp; 01 mẫu giống đậu tương mới VSO3 từ Lê Chánh, Tân Châu, An Giang. Các giống mới thu thập được bảo quản trong kho lạnh tại Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, khối lượng 100-200g mỗi mẫu giống.
– Đánh giá nguồn gen: Đã thực hiện đánh giá sơ bộ và chi tiết 1 mẫu giống lạc mới thu thập VG4, giống có năng suất cao (3,25 tấn/ha), tính kháng bệnh và đổ ngã khá; 1 mẫu giống vừng mới thu thập VS3, giống có năng suất khá (1,10 tấn/ha), khả năng kháng bệnh tốt; 1 mẫu giống đậu tương mới thu thập VSO3, giống có năng suất cao (2,64 tấn/ha), khối lượng 1000 hạt lớn (153,0g) và 6 mẫu giống jatropha (J 08-39, J 08- 40, J 08-41, J 08-42, J 08-43, J 08-44) đang bảo tồn và lưu giữ tại Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, Tây Ninh.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen: Đã thực hiện đánh giá sơ bộ và chi tiết 1 mẫu giống lạc mới thu thập VG4 (46 chỉ tiêu); 1 mẫu giống vừng mới thu thập VS3 (60 chỉ tiêu); 01 mẫu giống đậu tương mới thu thập VSO3 (36 chỉ tiêu); 6 mẫu giống jatropha (J 08-39, J 08-40, J 08-41, J 08-42, J 08-43, J 08-44) (38 chỉ tiêu).
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18835/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn