Toàn cảnh Hội thảo.

(NASATI) Nhằm hỗ trợ phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ thông qua tìm kiếm, lựa chọn các dự án và doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam để thúc đẩy chuyển giao công nghệ quốc tế, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường, Ban Quản lý Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WorldBank) và Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức Hội thảo giới thiệu chương trình VCIC CONNECT “Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế” tại Hà Nội, chiều 1/6/2020.

Hội nhập quốc tế về kinh tế là then chốt, doanh nghiệp doanh nhân là lực lượng chủ đạo

Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu hiện nay không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hội nhập quốc tế luôn là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, từ Đại hội XI, Đảng đã xác định đường lối hội nhập toàn diện.

Nhờ vào Hội nhập quốc tế, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Năm 2019 tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 6,8%, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ đô la, lạm pháp thấp nhất trong 10 năm gần đây với chỉ số lạm phát khoảng 2,79%. GDP bình quân đầu người tăng từ 2.109 đô la (năm 2015) lên 2587 đô la (năm 2018).

Hội nhập quốc tế giúp thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh, giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng và đa dạng thị trường. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của WTO, Việt Nam đã được 71 đối tác công nhận là nền kinh tế thị trường và ngày càng nhiều sản phẩm Made in Vietnam được các thị trường khó tính Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ chấp nhận. Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam từng bước sánh vai với bạn bè năm châu.

 

Để đạt được những kết quả đó, trong hội nhập quốc tế về kinh tế là then chốt, doanh nghiệp doanh nhân là lực lượng chủ đạo. Các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong tiếp cận các cơ hội, vận hội mới: các rào cản về pháp lý, về ngôn ngữ là các rào cản ban đầu, tiếp đó là các khó khăn về đàm phán và lựa chọn đối tác, về xậy dựng phương án và cơ chế hợp tác, về chuẩn bị các điều kiện cần thiết như công nghệ, con người và nguồn lực tài chính để quá trình hợp tác được diễn ra thuận lợi và đảm bảo cho lợi ích của các bên.

Vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp tư nhân: Làm thế nào để hội nhập quốc tế thành công. Muốn thành công trong quá trình hội nhập thì cần phải thay đổi từ bên trong chứ không trông chờ tác động từ bên ngoài. Từng doanh nghiệp Việt Nam muốn thành công khi kết nối thị trường quốc tế bản thân nội tại doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển, chiến lược cạnh tranh thật tốt đặc biệt cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, không ngừng cải tiến và đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe hơn của thị trường Quốc tế. Đồng thời Doanh nghiệp cũng cần không ngừng học hỏi, nghiên cứu kỹ đối tác để biết họ cần gì và muốn gì trước khi gặp gỡ, kết nối và đàm phán.

Cầu nối hội nhập quốc tế

VCIC với vai trò của mình trong những năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh đặc biệt năng lực cạnh tranh về khoa  học công nghệ cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận được với các đối tác Quốc tế, trong những năm qua VCIC đã thực hiện nhiều hoạt động như: tổ chức chuỗi các hội thảo “Công nghệ và tài chính” ở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nhà Trang để kết nối các công nghệ thế hệ mới và nguồn vốn giá rẻ cho các dự án điện gió điện mặt trời Việt Nam; hỗ trợ gọi vốn thành công cho 7 doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng kinh phí đầu tư trên 100 tỷ VND và gần 30 tỷ tiền tài trợ từ các chương trình hỗ trợ trong nước và Quốc tế; thông qua sàn giao dịch công nghệ VTEX và các Hội trợ công nghệ quốc tế tại Việt Nam như GROWTECH, ICTCOMM được tổ chức hang năm VCIC đã kết nối và chuyển giao thành công nhiều công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lịch vực ICT và Nông nghiệp, Thủy sản…) đã xây dựng được mối quan hệ đối tác với các tổ chức, hiệp hội xúc tiến thương mại ở nước ngoài như Hiệp hội thương mại hóa công nghệ Hàn Quốc, Hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí Đài Loan, Hiệp hội doanh nghiệp Công nghệ Úc, Hiệp hội nông nghiệp công nghệ cao Hà Lan… và nhiều các Quỹ đầu tư tập đoàn công nghệ uy tín khác.

Năm 2020, VCIC cùng với “Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc, Công tư đầu tư tài chính và kết nối thương mại toàn cầu FGC (Úc), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Minh Hằng Group, Tạp chí Nông thôn Việt” cùng một số đối tác quốc tế cùng triển khai trương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường quốc tế – VCIC CONNECT “Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế”.

VCIC CONNECT hướng tới các hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm các đối tác chiến lược về công nghệ, tài chính và thương mại. Thông qua VCIC CONNECT các doanh nghiệp tìm kiếm được các cơ hội hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường và thu hút đầu tư theo nhu cầu của doanh nghiệp.

 

Phát biểu tại buổi Hội thảo giới thiệu VCIC CONNECT, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam Phạm Đức Nghiệm cho biết “Thông qua chương trình này, chúng tôi kỳ vọng sẽ lựa chọn các dự án của doanh nghiệp với 3 nhóm chính: Chuyển giao công nghệ; Kết nối đầu tư và Xúc tiến thị tường quốc tế. Mục tiêu của chương trình là mỗi đoàn kết nối sẽ ký được ít nhất mỗi nhóm 2 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế. Thực hiện thành công chương trình sẽ giúp khai phá tiềm năng của doanh nghiệp Việt, thu hút dòng vốn giá rẻ, thúc đẩy kinh tế hướng đến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ và đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã  hội trong trạng thái bình thường mới”.

Tham gia chương trình, các doanh nghiệp này sẽ được tư vấn hỗ trợ xây dựng hồ sơ, bản chào dự án, được hỗ trợ tìm kiếm đối tác, hỗ trợ trong quá trình thương thảo và đàm phán cũng như tài trợ kinh phí tham gia đoàn kết nối với các đối tác quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội thảo, tại phiên thảo luận với chủ đề “Nhu cầu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia kết nối với thị trường quốc tế trong bối cảnh hiện nay”, các diễn giả đã trao đổi về nhu cầu phát triển, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, đầu tư, thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường các nước có trình độ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc, Canada trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế cũng như một số khó khăn chính như thiếu kỹ năng xây dựng hồ sơ chào theo tiêu chuẩn quốc tế, không hiểu biết pháp luật và nghiệp vụ triển khai thỏa thuận hợp tác.

Theo các đại biểu để thúc đẩy hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo ra môi trường pháp lý, thủ tục hành chính đơn giản dễ dàng đối với doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ xanh, công nghệ thông tin về ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo …

Ông Mạc Quốc Anh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ “Hiện nay thị trường Hà Nội có khoảng 97% là các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, và hiện trạng của các doanh nghiêp hiện nay rất khó khăn và nhu cầu tìm kiếm đối tác đang rất cấp thiết. Ở đây, vai trò của tổ chức hỗ trợ kết nối như Ban Quản lý Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam rất quan trọng, đặc biệt trong việc tìm kiếm, sàng lọc và lựa chọn các đối tác quốc tế, thúc đẩy thiết lập chuỗi liên kết mới toàn cầu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế và sử dụng thế mạnh của Hiệp hội là giao thương nội khối”.

Hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội được chia thành 3 nhóm: Doanh nghiệp lớn như TNT, Hòa Phát, Văn Phú…, doanh vừa và doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi đang khuyến khích các doanh nghiệp lớn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Hỗ trợ bởi vừa và nhỏ là thành viên trong hiệp hội nhằm gia tăng được giá trị, củng cố liên kết bền vững.

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà Hàn Quốc hiện nay có một số mảng là số 1 thế giới, chúng tôi hi vọng rằng trong năm 2020, với sự phối hợp giữa Ban Quản lý Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam và Hiệp Hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc, sẽ có các hoạt động xuyên suốt và mạnh mẽ hơn nữa nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả” – Ông

 

Trần Hải Linh – Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) chia sẻ.

Ông Trần Hải Linh cho biết thêm: Doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội nhờ hưởng lợi từ sự ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ điều hành nền kinh tế rất tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp.

Đặc biệt dịch bệnh Covid-19 đã khiến dự báo kinh tế nhiều quốc gia phát triển tăng trưởng âm. Chính phủ Việt Nam vẫn hướng tới mức tăng trưởng khoảng 5% và thực tế chúng ta đã tăng trưởng 3,82% trong quý 1/2020 trong khi Trung Quốc, Mỹ đều tăng trưởng âm lần lượt 6,8% và 4,8%. Kinh tế vẫn tăng trưởng bất chấp dịch bệnh và sự kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 mang tới nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạy động giao thương hay kết nối đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, không chỉ Chính phủ mà các địa phương cũng đang có nhiều chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư với các DN, tập đoàn đa quốc gia mang quy mô toàn cầu. Doanh nghiệp Việt tại từng địa phương đều hưởng lợi từ chính sách thu hút này. Ví dụ địa phương, Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi với làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế từ các Hiệp định thương mại.