Thông qua phân tích 138 thí nghiệm, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Stanford, Đại học tự trị Barcelona và trường Hoàng gia London đã lập bản đồ về tiềm năng thực vật tích trữ thêm cacbon vào cuối thế kỷ. Kết quả nghiên cứu cho thấy thực vật có thể loại bỏ sáu năm phát thải CO2 như mức hiện nay vào năm 2100, nếu như không xảy ra tình trạng phá rừng. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.

Khi thực vật sinh trưởng, chúng lấy CO2 từ không khí. Khi nồng độ CO2 trong không khí tăng lên vì khí thải do con người gây ra, các nhà nghiên cứu cho rằng thực vật sẽ có thể sinh trưởng mạnh hơn và do đó hấp thụ nhiều CO2 hơn. Tuy nhiên, quá trình sinh trưởng của thực vật không chỉ do nồng độ CO2 quyết định, mà còn phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng sẵn có trong đất, đặc biệt là nitơ và phốt pho. Nếu thực vật không có đủ dinh dưỡng, chúng sẽ không phát triển mạnh hơn dù nồng độ CO2 cao hơn.

Hàng trăm thí nghiệm trong vài thập kỷ qua đã cố gắng xác định khối lượng CO2 bổ sung mà thực vật có thể hấp thụ trước khi lượng dinh dưỡng có sẵn bị hạn chế, kết quả là nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra những câu trả lời khác nhau. Hiện một nhóm nghiên cứu gồm 32 nhà khoa học đến từ 13 quốc gia đã phân tích tất cả các thí nghiệm trước đó để đưa ra ước tính toàn cầu về khả năng hấp thụ CO2 của thực vật.

Kết quả cho thấy thực vật trên toàn cầu có thể tăng 12% lượng sinh khối (vật liệu hữu cơ) khi tiếp xúc với nồng độ CO2 dự báo cho năm 2100. Mức tăng trưởng thêm này sẽ khai thác đủ CO2 từ khí quyển để loại bỏ sáu năm phát thải do con người gây ra hiện nay. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu dựa vào độ che phủ của thực vật và rừng ở mức như hiện nay, nghĩa là không xảy ra nạn phá rừng.

Tiến sĩ César Terrer tại Đại học Stanford cho rằng: “Giữ nhiên liệu hóa thạch dưới lòng đất là cách tốt nhất để hạn chế nhiệt độ toàn cầu nóng lên hơn nữa. Nhưng ngăn chặn nạn phá rừng và bảo tồn rừng để chúng có thể phát triển mạnh hơn là giải pháp tốt nhất tiếp theo“.

Để dự báo chính xác hơn khả năng thực vật cô lập CO2 trong tương lai, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu từ tất cả các thí nghiệm nâng cao về CO2 được thực hiện cho

 

đến nay trong các hệ thống đồng cỏ, cây bụi, đất trồng trọt và rừng. Tiếp đến, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp thống kê, học máy, mô hình và dữ liệu vệ tinh để định lượng dưỡng chất trong đất và các yếu tố khí hậu hạn chế khả năng hấp thụ thêm CO2 của thực vật. Kết quả cho thấy các khu rừng nhiệt đới có khả năng sinh trưởng mạnh nhất và tăng hấp thụ CO2 như các cánh rừng ở Amazon, Congo và Inđônêxia. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện thấy khả năng hấp thụ thêm CO2 của thực vật dựa vào liên kết của chúng với các loại nấm khác nhau trong rễ, giúp chúng khai thác dưỡng chất trong đất.

Kết quả nghiên cứu rất có giá trị đối với các nhà khoa học xây dựng mô hình biến đổi khí hậu trong tương lai và tác động của việc tái trồng rừng hoặc phá rừng.

N.P.D (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2019/08/190820130929.htm