Một báo cáo mới của các nhà nghiên cứu tại trường Hoàng gia London nêu rõ 6 nghìn tỷ điếu thuốc lá được sản xuất mỗi năm, tác động đến môi trường thông qua gây biến đổi khí hậu, tác động đến hoạt động sử dụng đất và nước cũng như gây độc.

Tác động tàn phá của ngành công nghiệp thuốc lá đến sức khỏe con người đã được biết đến nhiều. Tuy nhiên, nghiên cứu mới lần đầu tiên đã phác họa tác động lớn của ngành công nghiệp này đến môi trường.

Tài nguyên hữu hạn

Những tác động của thuốc lá trong đó có biến đổi khí hậu bắt nguồn từ thực trạng tiêu thụ năng lượng và nhiên liệu, cạn kiệt đất và nước, và cả axit hóa. Hoạt động trồng cây thuốc lá trên toàn thế giới đòi hỏi phải sử dụng nhiều đất, nước, thuốc trừ sâu và lao động – tất cả các nguồn tài nguyên hữu hạn này có thể được sử dụng có hiệu quả hơn.

Trên toàn cầu, 32,4 triệu tấn thuốc lá xanh được trồng để sản xuất 6,48 tấn thuốc lá khô tạo ra 6 nghìn tỷ điếu thuốc trên toàn thế giới trong năm 2014, gây phát thải gần 84 triệu tấn khí CO2 gây biến đổi khí hậu, chiếm khoảng 0,2% tổng phát thải toàn cầu.

  1. Nick Voulvoulis tại Trung tâm chính sách môi trường thuộc trường Hoàng gia London và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Tác động môi trường của việc hút thuốc lá gây thêm áp lực lớn cho các nguồn tài nguyên đang ngày càng khan hiếm và các hệ sinh thái mong manh trên Trái đất. Thuốc lá làm giảm chất lượng cuộc sống vì phải cạnh tranh tài nguyên với những hàng hóa có giá trị cho sinh kế và phát triển của con người trên toàn thế giới“.

Sản xuất thâm dụng năng lượng 

“Chế biến”, là quá trình xử lý cây thuốc lá để sản xuất thuốc lá khô, tiêu tốn nhiều năng lượng do sử dụng than đá hoặc đốt gỗ góp phần gây phát thải khí nhà kính và nạn phá rừng. Sản xuất thuốc lá cũng sử dụng hơn 22 tỷ tấn nước. Ngoài ra, hoạt động vận chuyển và sản xuất thuốc lá, cũng như sử dụng và tiêu hủy cuối cùng sử dụng nhiều tài nguyên và phát sinh thêm chất thải.

Trung Quốc, nước tiêu thụ thuốc lá hàng đầu thế giới, thu hoạch hơn 3 triệu tấn thuốc lá trên 1,5 triệu ha đất canh tác và sử dụng nguồn nước ngọt khổng lồ, trong khi môi trường sống khan hiếm nước và gần 134 triệu người bị suy dinh dưỡng.

Năng suất cây trồng

Báo cáo nghiên cứu so sánh tác động của cây thuốc lá với các cây trồng khác thường cần ít nguyên liệu đầu vào. Hơn nữa, năng suất của các loại cây trồng này trong nhiều trường hợp cao hơn đáng kể so với cây thuốc lá. Ví dụ, ở Zimbabwe, 1 ha đất có thể cho sản lượng khoai tây gấp 19 lần so với 1-1,2 tấn thuốc lá hiện được canh tác. Bằng chứng cũng cho thấy cây trồng luân phiên giúp ích cho người nông dân và gia đình của họ, vì lao động trẻ em vẫn là vấn nạn trong trong sản xuất thuốc lá.

Gần 90% tổng sản lượng thuốc lá được tạo ra tại các nước đang phát triển. Trong 10 quốc gia sản xuất thuốc lá hàng đầu có 9 quốc gia đang phát triển và 4 quốc gia thiếu lương thực và thu nhập thấp (LIFDC), bao gồm Ấn Độ, Zimbabwe, Pakistan và Malawi. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động tiêu thụ thuốc lá diễn ra tại các nước phát triển.

  1. Nicholas Hopkinson, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Theo nghĩa đen, những người hút thuốc tại các nước phát triển là đang đốt tài nguyên của các nước nghèo“.

Tác động suốt đời

Báo cáo cũng tính toán tác động môi trường của một người hút thuốc trong suốt cuộc đời của họ: một người hút 20 điếu thuốc mỗi ngày trong 50 năm sẽ làm cạn kiệt 1,4 triệu lít nước. Nghiên cứu kêu gọi triển khai nhiều hành động để giải quyết tình trạng này. Đó là tăng cường cơ sở bằng chứng toàn cầu để san lấp lỗ hổng trong dữ liệu môi trường hiện nay, khuyến khích đầu tư bền vững cũng như đảm bảo rằng chi phí môi trường của thuốc lá được tính trong giá và yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của sản phẩm thuốc lá.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Environmental Science and Technology.

N.P.D (NASATI), theo https://phys.org/news/2018-10-cigarettes-significant-impact-environment-health.html#jCp,