Chế độ ăn nhiều rau xanh có thể giúp làm giảm thiểu nguy cơ phát triển gan nhiễm mỡ, hiểu đơn giản là có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan. Trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên PNAS, các nhà khoa học đến từ Học viện Karolinska ở Thụy Điển chỉ ra rằng hàm lượng lớn nitrat vô cơ tự nhiên trong nhiều loại rau có thể hỗ trợ làm giảm sự tích tụ chất béo trong gan. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị nào khả thi đối với căn bệnh vốn là tiền đề dẫn tới những căn bệnh nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân như xơ gan và ung thư gan cũng tăng cao.

Gan nhiễm mỡ là tình trạng ứ đọng mỡ, mỡ cao hơn mức bình thường. Bệnh gan nhiễm mỡ khá phổ biến, khoảng 25% dân số thế giới mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Các nguyên nhân chính dẫn đến gan nhiễm mỡ là tình trạng thừa cân hay béo phì, hoặc do thói quen thường xuyên uống rượu. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị đối với bệnh này. Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tại Học viện Karolinska đã chứng minh rằng một lượng nitrat vô cơ lớn hơn có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất béo trong gan.

Mattias Carlström, Phó giáo sư tại Khoa Sinh lý học và Dược lý học, Học viện Karolinska cho biết: “Khi tiến hành bổ sung thêm hàm lượng nitrat vào chế độ ăn cho những các thể chuột được nuôi với chế độ ăn nhiều chất béo và đường của phương Tây, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ chất béo trong gan thấp hơn đáng kể”.

Kết quả của họ đã được xác nhận thông qua hai nghiên cứu nuôi cấy tế bào khác nhau trong tế bào gan người. Ngoài nguy cơ nhiễm mỡ thấp hơn, nhóm nghiên cứu cũng quan sát thấy tình trạng huyết áp và cân bằng nội môi insulin/glucose ở những con chuột mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng được cải thiện đáng kể.

Trọng tâm của nhóm nghiên cứu là phòng ngừa các bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2 thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống và bằng các phương pháp khác. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nitrat trong chế độ ăn uống nhiều rau quả giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của ty thể vốn được xem là nhà máy điện hay trạm năng lượng của tế bào, từ đó, cải thiện sức bền thể lực. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêu thụ một lượng lớn trái cây và rau quả rất có lợi cho chức năng tim mạch và bệnh tiểu đường.

  1. Carlström chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng những căn bệnh này được gắn kết với nhau bởi các cơ chế tương tự, trong đó hiện tượng ứng kích oxy hóa dẫn đến truyền tín hiệu oxit nitric bị suy yếu, từ đó, tác động bất lợi đến các chức năng chuyển hóa tim mạch“. “Giờ đây, chúng tôi đã phát hiện ra một phương pháp sản xuất oxit nitric khác, đó là bổ sung nhiều nitrat trong chế độ ăn uống, nhờ đó, nitrat có thể được chuyển hóa thành oxit nitric và các nitơ có hoạt tính sinh học khác trong cơ thể“.

Mặc dù nhiều nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện, vẫn còn nhiều tranh cãi về tính chất của thực phẩm giàu chất xơ trong việc giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh.

“Nghiên cứu trước đây chưa tập trung vào chìa khóa của vấn đề, đó là nitrat”, TS. Carlström tiếp tục. “Hiện giờ, chúng tôi muốn tiến hành các nghiên cứu lâm sàng để kiểm tra giá trị trị liệu của việc bổ sung nitrat nhằm giảm thiểu nguy cơ gan nhiễm mỡ. Kết quả có thể dẫn đến khả năng phát triển các phương pháp dược lý và dinh dưỡng mới“.

Mặc dù việc tiến hành các nghiên cứu lâm sàng ở quy mô lớn hơn là rất cần thiết để xác nhận vai trò của nitrat, tuy nhiên, lời khuyên của các nhà khoa học vẫn là nên tiêu thụ nhiều các loại rau lá xanh, như rau diếp thường hoặc rau bina giàu nitrat.

  1. Carlström cho biết: “Các bạn nên tiêu thụ khoảng 200 gram rau xanh mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Có một thực tế đáng buồn là ngày nay, trong thực đơn của nhiều người vẫn thiếu một lượng thực phẩm rau củ quả cần thiết”.

P.K.L (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2018-12-green-leafy-vegetables-liver-steatosis.html,