Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Sáng ngày 1/10/2022, tại Sàn Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị – Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Trung tâm Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm cà phê công nghệ để giới thiệu đến cộng đồng cùng các doanh nghiệp về “Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp” và “Ứng dụng IoT trong cách mạng công nghiệp 4.0” với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghệ, bắt kịp các xu thế công nghệ mới trong đó có chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của quản lý hiện đại và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tham dự buổi Tọa đàm có các đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân quan tâm bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Đức Tài – CEO công ty Lumi giới thiệu các ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0 và sử dụng IoT trong Nhà thông minh. Theo ông Tài, đến năm 2040 robot sẽ lấy mất việc làm của nhiều người. Số lượng robot trong nhà có thể đông hơn số thành viên trong gia đình nhiều lần bởi sự xuất hiện của một loạt robot như robot là quần áo, rửa chén bát, nấu ăn, dọn bể bơi, chó giữ nhà… Một số ứng dụng hiện đại khác cũng đã xuất hiện trên thị trường như: gương thời trang cho phép khách hàng thử quần áo không cần thay đồ, nhà tắm có cảm biến đo sức khỏe, bồn vệ sinh có thể là một phòng thí nghiệm lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu… Các sản phẩm công nghệ của Lumi cũng đi theo xu hướng công nghệ mà thế giới đang theo đuổi để tăng trải nghiệm cho khách hàng, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là công nghệ IoT, trong đó sản phẩm nhà thông minh của Lumi là giải pháp đồng bộ từ việc tăng tiện ích cuộc sống đến an ninh an toàn. Sản phẩm hiện đã được xuất khẩu tới 5 nước trên thế giới.
Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp được ông Đinh Văn Dũng đến từ Viện Công nghệ thông tin (Giám đốc Công ty HADTech) – ĐH Quốc gia Hà Nội giới thiệu.
Từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam, ông Đinh Văn Dũng cho rằng hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp cần tập trung vào các nội dung gồm:
+ Xây dựng Chiến lược chuyển đổi số và Mô hình kinh doanh (MAF, DBM)
+ Xây dựng Mối quan hệ số với khách hàng (DCE)
+ Xây dựng Văn hóa số (DCF)
+ Quản trị quy trình nghiệp vụ số (BPM)
+ Xây dựng Kiến trúc hạ tầng và nền tảng số (DPI)
Trong đó, mỗi nội dung Viện CNTT của ĐHQGHN đều có các phương pháp tiếp cận thông qua các khung tư vấn cụ thể và các sản phẩm chuyển giao và Viện công nghệ thông tin sẵn sàng tư vấn cũng như cung cấp các Giải pháp Nền tảng số như:
+ Nền tảng Thành phố thông minh
+ Nền tảng Giáo dục cá thể hóa
+ Nền tảng Chăm sóc ý tế cá thể hóa
+ Nền tảng Nông nghiệp cá thể hóa
Đây đều là những nền tảng số mà HADTech đã chuyển giao công nghệ thành công cho các đối tác. Nền tảng Nông nghiệp cá thể hóa đã thu hút nhiều ý kiến hỏi – đáp. Ông Đinh Văn Dũng cũng đã chia sẻ về hiệu quả và các kinh nghiệm triên khai thực tế sản phẩm.
Sau phần trình bày, các khách mời tham dự tọa đàm và 2 diễn giả đã có các trao đổi thảo luận sôi nổi; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tư vấn chuyển giao công nghệ và triển khai thực tế sản phẩm. đồng thời sẵn sàng tư vấn cũng như đưa ra các giải pháp về IoT cũng như chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Kết thúc buổi tọa đàm, Hiệp hội Minh bạch thực phẩm đã đặt hàng cho Công ty Lumi về giải pháp hỗ trợ đánh giá sản xuất thực phẩm phải sạch khi lên kệ trong thị trường chứ không phải chỉ là các giải pháp kiểm tra thực phẩm sạch hay không khi đã bày bán trên thị trường.
Nguồn: Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia