Các nhà khoa học ở Anh đã tìm ra mối liên kết giữa thành phần kháng khuẩn phổ biến và kháng thuốc kháng sinh. Thành phần này, được gọi là triclosan, đã từng nằm trong danh mục cảnh báo của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Vào năm 2016, FDA đã cấm sử dụng thành phần này trong các loại xà phòng bán cho người tiêu dùng do các mối lo ngại về an toàn và thiếu bằng chứng cho thấy xà phòng chứa triclosan hiệu quả hơn và tốt hơn các loại xà phòng thông thường.

Tuy nhiên, theo FDA, thành phần này vẫn có thể tìm thấy trong những sản phẩm khác, gồm xà phòng kháng khuẩn được sử dụng trong các cơ sở chăm sóc sức khoẻ như bệnh viện. Ngoài ra, triclosan còn có trong nhiều loại sản phẩm như đồ chơi, đồ đạc trong nhà và quần áo để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. FDA cảnh báo triclosan có thể góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh – khi vi khuẩn tiến hoá và phát triển theo những cách để chống lại các loại thuốc này và thuốc không còn hiệu quả nữa.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào hiện tượng gọi là “kháng chéo”, xảy ra khi một chất có khả năng kháng với một loại chất kháng khuẩn cũng có khả năng kháng với một loại khác. Đặc biệt, công trình nghiên cứu mới này cho thấy khi một số vi khuẩn phát triển khả năng kháng lại với nhóm thuốc quinolones, chúng cũng có khả năng kháng với triclosan.

Quinolones tiêu diệt vi khuẩn bằng cách nhằm mục tiêu vào một enzyme giúp ADN duỗi ra trong quá trình nhân đôi. (Khi một tế bào tái tạo ADN của nó, nó cần phải duỗi ra và tách thành hai sợi ADN tạo thành chuỗi xoắn kép). Nếu ADN của vi khuẩn không duỗi ra, chúng không thể sao chép được. (Ví dụ thuốc kháng sinh quinolone chứa Ciprofloxacin và Levofloxacin, theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết vi khuẩn có thể phát triển tính kháng với quinolones, thông qua các đột biến làm cho những loại thuốc này khó gắn kết hơn với enzyme giúp ADN duỗi ra. Các nhà nghiên cứu nhận thấy ngoài những thay đổi này, vi khuẩn kháng quinolone cũng chuyển sang cơ chế tự vệ khác, khi kết hợp, chúng làm cho vi khuẩn kháng triclosan.

Ban đầu, nhóm nghiên cứu tìm thấy sự liên kết giữa kháng quinolone và kháng triclosan trong các thử nghiệm trên vi khuẩn Salmonella. Nhưng trong nghiên cứu mới này, được thực hiện trên vi khuẩn trong phòng thí nghiệm, chứ không phải ở động vật hoặc con người, cho thấy kết quả cơ chế này cũng có thể xảy ra ở một loại vi khuẩn khác là Escherichia coli.

Tác giả nghiên cứu Mark Webber – Giáo sư tại Viện Vi trùng học và Nhiễm trùng thuộc Đại học Birmingham, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, vi khuẩn bị đánh lừa khi nghĩ rằng chúng luôn bị tấn công và sau đó bị mẫn cảm ngay lần đầu để đối phó với các mối đe dọa khác, bao gồm triclosan”.

Mark Webber, kết luận: Vấn đề lo lắng có thể xảy ra khi phơi nhiễm ngược và triclosan, làm phát triển các dòng kháng kháng sinh. Tuy nhiên, các thí nghiệm trong nghiên cứu mới không tìm thấy bằng chứng về điều này. Cần thêm nghiên cứu để xem nếu triclosan gây ra vi khuẩn để kháng với hóa chất kháng khuẩn khác. Hiểu được kháng kháng sinh xảy ra như thế nào và ở những điều kiện nào, điều quan trọng là phải dừng sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Đ.T.V (NASATI), Theo https://www.livescience.com/59680-soap-ingredient-triclosan-antibiotic-resistance.html, 3/7/2017