(Theo pcworld) – Thông điệp được tiến sỹ Lê Ngọc Thọ – Giáo sư đến từ Đại học McGill (Canada) nêu lên tại buổi tọa đàm về chủ đề Smart Environment diễn ra vào sáng 28/11/2017. Sự kiện do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán – Sở KHCN TP.HCM chủ trì tổ chức.
Theo giáo sư – tiến sỹ Lê Ngọc Thọ, vấn đề cốt lõi là hiện nay những thiết bị được cho là thông minh đang sử dụng trong các giải pháp phát triển đô thị thông minh chưa hề thông minh. Bởi lẽ, trong những thiết bị này vốn chỉ có các cảm biến (sensor) chứ chưa có cơ chế tự nhận diện và bảo vệ, do đó khi sử dụng thiết bị nhập từ nước ngoài nếu không cẩn thận sẽ dễ mắc phải nhiều lỗi bảo mật hệ thống không thể kiểm soát nổi.
Mặt khác, những hãng công nghệ lớn trên thế giới hiện nay cũng chưa có giải pháp đô thị thông minhnào hoàn chỉnh. Do đó, việc mua và trang bị công nghệ nước ngoài sẽ bị hạn chế về mặt kỹ thuật, khó nâng cấp theo ý muốn và khi cần chuyển đổi nhiều khả năng lại phải mua công nghệ mới rất tốn kém mà hiệu quả thì chưa thể đong đếm được.
Qua đó, tiến sỹ Lê Ngọc Thọ khẳng định cần mạnh dạn tự phát triển giải pháp đô thị thông minh bằng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật trong nước vì nhiều lý do.
Thứ nhất, việc tự phát triển giải pháp đô thị thông minh sẽ góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong nước.
Thứ hai, việc có được đội ngũ chuyên gia tự phát triển giải pháp đô thị thông minh sẽ giúp nhà quản lý biết rõ mình đang làm gì, khả năng tùy biến từng khâu trong giải pháp đô thị thông minh ra sao, từ đó ra những quyết định phù hợp theo hiện trạng.
Thứ ba, việc tự phát triển giải pháp đô thị thông minh sẽ tăng cường độ tin cậy cả về nhân sự lẫn thiết bị, tránh được nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm liên quan đến an ninh mạng, kỹ thuật hệ thống.
Tùy vào mục đích phát triển đô thị thông minh nói chung và môi trường thông minh nói riêng, theo tiến sỹ Lê Ngọc Thọ, sẽ có những mục tiêu cụ thể và cách thức thực hiện riêng mà nhà quản lý cần xác định rõ tùy từng thời điểm, chẳng hạn ưu tiên giải quyết ô nhiễm môi trường, phát triển điều kiện sống hoặc giải quyết tình trạng giao thông đô thị. Tuy nhiên, việc ứng dụng giải pháp đô thị thông minh cần mang lại lợi ích cho cả cộng đồng dân cư, bao gồm an sinh xã hội hoặc hữu dụng về lợi ích kinh tế chung.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Là yếu tố quan trọng trong giải pháp đô thị thông minh, môi trường thông minh (smart environment) những năm gần đây nở rộ nhờ sự tiến bộ vượt bậc về viễn thông và công nghệ tính toán, trong đó phải kể đến cách thức giao tiếp với các hệ thống dựa trên nền tảng điện toán đám mây, kết nối Internet vạn vật (IoT) và sự phát triển về băng thông hệ thống mạng.
Môi trường thông minh mang một số đặc tính cơ bản như đầy đủ tiện ích, tương thích tùy tình huống hay có thể tương tác bằng những cách thức đơn giản. Trong đó, môi trường thông minh sẽ cung cấp những dịch vụ thông minh để đáp ứng tốt hơn cho cuộc sống của dân cư. Do đó, chi phí triển khai môi trường thông minh, bao gồm công nghệ và thiết bị, dù rất tốn kém nhưng sẽ rất hấp dẫn giới đầu tư khi nhà quản lý đề xuất hướng phát triển hợp lý.
Vì lẽ đó, một góc nhìn mới về vai trò của nhà quản lý đô thị thông minh là kiến tạo môi trường thông minh nhằm phục vụ và thúc đẩy nền kinh tế thông minh (smart economy) đầy năng động và đổi mới sáng tạo, tạo việc làm và điều kiện sống thoải mái cho cộng đồng dân cư.