Trong cuộc tranh tài công nghệ Angelhack Hackathon 2019 giải nhất đã thuộc về đội Oh.We. Điều đáng nói, trưởng nhóm của đội thắng cuộc là sinh viên Đại học Mỹ thuật, dân ngoại đạo.
Đây là năm thứ hai, chuỗi Hackathon (được tổ chức bởi Angelhack) đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Sự kiện tranh tài Công nghệ mới quy mô toàn cầu đã có mặt trên 106 thành phố tại 65 quốc gia và tạo nên làn sóng khởi nghiệp cực kì mạnh mẽ với hơn 115 công ty khởi nghiệp ra mắt trên toàn thế giới.
AngelHack đã trở thành một điểm hẹn của không chỉ dành cho các nhà phát triển, nhà thiết kế mà còn là của các doanh nghiệp, để cùng nhau tạo nên những đột phá đổi mới sáng tạo thay đổi cuộc chơi của toàn thị trường.
Tất cả những thử thách tại Hackathon, đều tập trung vào một mục tiêu duy nhất: Thúc đẩy các bạn trẻ đem đến những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề cộng đồng nổi trội hiện nay.
Lạc giữa rừng sao công nghệ
Trong loạt đề bài của các doanh nghiệp tên tuổi như Sun *, IBM, Vietnam Post, AWS, Freshdeli, Gieo, Pablo… thì đặt hàng ý tưởng của Vietnam Post (Bưu điện VN) về “cách mạng hóa dịch vụ bưu chính” được đông đội đăng ký nhất.
Tại khán phòng lớn, ngày đầu tiên, 120 thí sinh lên bục giới thiệu về mình, đưa ra mục tiêu, phương hướng, tìm đồng đội. Đa số các đội là bạn, đồng nghiệp IT rủ nhau đi thi, nên không cần tìm người để ghép. Nữ sinh viên mỹ thuật Chu Khánh Linh chia sẻ “Tôi chẳng biết gì về code (lập trình), lại dốt công nghệ, đăng ký thi mà run không hiểu ý tưởng của mình liệu có ngô nghê quá không”. Linh đang bơ vơ tìm đồng đội thì gặp Đinh Thị Thu Hà. Lúc Hà giới thiệu mình là cử nhân báo chí hầu như khán phòng không ai để ý. “Hai cô gái nhập thành nhóm Oh.We tìm mãi được thêm bạn Nguyễn Diệp, nữ sinh viên khoa kinh tế ĐH Ngoại thương, hai anh chàng lập trình viên Nguyễn Hoài Nam và Matsumoto Yuji (Nhật Bản).
Mỗi đội thi có 24 giờ lên ý tưởng, viết code tại chỗ. Trong 24 giờ, các thí sinh được tư vấn, hỗ trợ bởi các chuyên gia start-up, nhà tài trợ, hướng dẫn viên… VN Post gần đây có rất nhiều nỗ lực để việc trả nhận bưu phẩm hiệu quả hơn tuy nhiên thương mại điện tử phát triển quá nhanh khiến hàng hóa tồn đọng, ứng dụng trên điện thoại bị lỗi, nhân viên giao hàng gặp khó khăn trong việc liên lạc với khách, đi lại nhiều lần để trả một gói hàng…
Nhóm Oh.We đưa ra giải pháp Tủ khóa thông minh (Smart Looker). Mỗi bưu cục chi nhánh sẽ có một Tủ khóa (kho hàng). Khách sẽ được gửi mã số hộp chứa và đến nhận hàng vào bất cứ lúc nào trong ngày. Mỗi Tủ khóa sẽ có camera giám sát, bảo đảm an ninh, chống trộm. Nhờ hệ thống camera thông minh, 10-15 Tủ khóa chỉ cần 1 người trông coi camera tổng. Khách lĩnh hàng trễ sau 25 giờ lưu kho sẽ bị phạt cấp số nhân, để tránh hàng tồn chiếm kho. Tủ khóa thông minh đã tồn tại ở các nước phát triển, nhưng họ thường đặt ở chân chung cư. Điều kiện Việt Nam không đủ để xây quá nhiều tủ ở chân các tòa nhà, vậy nên Linh Chu đã tìm ra chỗ thích hợp cho tủ thông minh “đặt ngay trong chi nhánh bưu cục sẽ đỡ phải xây riêng tốn kém. Sáng kiến này được đại diện của VN Post và ban giám khảo cho là “mang tính cách mạng”.
Chị Jasmine Nguyễn, quản lý khu vực của AngelHack cho biết, đội Oh.We thuyết phục ban giám khảo bởi cách làm việc và phối hợp nhóm. “Qua kinh nghiệm tôi thấy đội nào chỉ toàn lập trình viên khó giành được chiến thắng. Đội Oh.We có 1 bạn học mỹ thuật, 1 bạn học kinh tế, 1 bạn học truyền thông, 2 bạn lập trình. Tư duy phản biện tốt, họ trở thành đội toàn diện, giỏi nhiều lĩnh vực”. Ngoài ra hình ảnh minh họa sống động và cách kể chuyện thu hút trong màn trình bày của trưởng nhóm giúp họ thắng tuyệt đối 7 đội khác cùng tìm giải pháp cho bưu phẩm.
Tìm người giỏi ở “bẫy ý tưởng”
Linh Chu ví AngelHack như một cái bẫy ý tưởng. Rất nhiều ý tưởng đổ về đây và các doanh nghiệp chỉ việc lựa chọn cái tốt nhất. “Tôi rất thích khái niệm “bẫy ý tưởng” của nhà báo, nhà văn Malcolm Gladuell. Ông kể, ở một siêu thị nọ, trong một loạt bánh xà phòng nhà sản xuất nhét vào giữa sản phẩm một mẩu giấy nhắn khách hàng có góp ý gì thì hãy gọi vào số điện thoại dưới đây. Rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến bàn về xà phòng. Hóa ra nhà sản xuất giăng bẫy để thu các ý tưởng về xà phòng đúng điệu. Họ biết chỉ người hiểu về xà phòng mới gọi điện”.
Trong 24 giờ ở tập trung trong một không gian, mỗi thí sinh học được rất nhiều kiến thức và kỹ năng, thưởng thức nhiều ý tưởng độc lạ của nhau. Linh Chu rất thích ý tưởng của nhóm Fitcloak. Các bạn lập hệ thống tủ quần áo sạch tại chuỗi phòng tập gym. Thành viên cứ việc đi người không đến phòng tập ở bất cứ đâu trong chuỗi, họ lấy quần áo tập, khăn, giày, tất… sạch trong tủ ra sử dụng, tập xong trút hết đồ cho vào thùng sau đó được đem đi giặt.
Một nhóm khác của IBM cũng gây ấn tượng khi đưa ra phần mềm dự đoán và giải pháp cứu nạn cho những điểm bị thiên tai.
Nguyễn Hoài Nam, một trong hai lập trình viên của Oh.We kể thực ra ý định lúc đầu đến với AngelHack không phải để thi mà là tìm hiểu kỹ hơn về cơ cấu và cách thức của nó. Nhưng khi đến nơi không khí ở đấy khiến Nam muốn tham gia thi và nhận lời vào nhóm Oh.We. “Có lẽ năm sau tôi sẽ trở lại với một đội từ đầu và sẽ cố gắng để đạt giải cao nhất”.
Giải thưởng 1.000 USD cho 5 người đội chiến thắng không phải là lớn. Điều mà các thành viên kỳ vọng là VN Post sẽ sớm đưa ý tưởng Tủ khóa thông minh vào ứng dụng. “Ý tưởng chỉ đáng 2 xu, quan trọng là nó được thực thi thế nào”.