Tôm sú Penaeus monodon Fabricius (1798) được coi là một loài thủy sản nuôi kinh tế quan trọng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tôm sú đã và sẽ tiếp tục là một trong các đối tượng nuôi chủ lực cho xuất khẩu thủy sản. Ngành công nghiệp nuôi tôm với sản lượng hơn 300.000 tấn/năm đòi hỏi gần 30 tỉ tôm giống chất lượng cao hàng năm.

Hiện nay tôm sú bố mẹ chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên đem đến nhiều hệ lụy, trong đó quan trọng hơn cả là lây truyền mầm bệnh từ tự nhiên vào các mô hình nuôi. Thực tiễn cho thấy nhu cầu tôm sú giống hiện nay của người nuôi hoàn toàn được đáp ứng bằng sản xuất trong nước, nhưng chất lượng tôm giống luôn là vấn đề nan giải. Tôm sú giống không được kiểm soát chặt chẽ về mầm bệnh cũng như chất lượng dẫn đến những tổn thất to lớn cho người nuôi tôm. Đây là những thách thức lớn trong nỗ lực phát triển bền vững ngành công nghiệp nuôi tôm của Việt Nam.

Nhằm chủ động con giống gia hóa, có tốc độ tăng trưởng nhanh và sạch bệnh thì giải pháp chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng kết hợp sản xuất con giống sạch bệnh là giải pháp sẽ giải quyết triệt để vấn đề về chất lượng con giống. Do giá trị thương mại của tôm sú rất lớn, tính cạnh tranh cao vì vậy có nhiều công ty trên thế giới đã đầu tư vào các nghiên cứu trên tôm sú liên quan đến các chương trình gia hóa, sản xuất tôm sạch bệnh, chọn giống tăng trưởng, chọn giống kháng bệnh, v.v. Tuy nhiên, cũng vì lý do thương mại mà rất ít các công trình đã thực hiện được công bố mặc dù sản phẩm của các chương trình này đã được thương mại hóa trên thị trường. Các công ty như Moana (Bỉ), CSIRO (Úc), công ty CP (Thái Lan) từ lâu đều nỗ lực chọn giống tôm sú nhưng về mặt học thuật thì họ hoàn toàn giữ bí mật. Một số ít những nghiên cứu được công bố bao gồm: Chương trình chọn giống tại Úc (Kenway và ctv., 2006; Preston và ctv., 2009), Thái Lan (Damrongchai, 2002), Hawaii, Madagascar và Brunei.

Xuất phát từ thực tế trên, TS. Nguyễn Văn Hảo, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cùng các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài “Ứng dụng di truyền số lượng và di truyền phân tử để tạo vật liệu ban đầu cho chọn giống tôm sú theo tính trạng tăng trưởng”. Đánh giá về hiệu quả do đề tài mang lại:

 

  1. Hiệu quả về khoa học và công nghệ: Đề tài đã làm chủ, nắm bắt các công nghệ như sau:
  • Công nghệ gia hóa tôm sú trong hệ thống an toàn sinh học, sàng lọc bệnh trong sản xuất tôm sú sạch bệnh. Trên thế giới, gia hóa tôm sú đã bắt đầu từ thập niên những năm 70, cho đến nay công nghệ này vẫn chưa khắc phục được nhược điểm các chỉ tiêu thành thục và sức sinh sản thấp của tôm gia hóa. So với trình độ công nghệ thế giới, các chỉ tiêu thành thục và sức sinh sản của tôm gia hóa đạt được trong nghiên cứu này là không thua kém.
  • Các công nghệ trong lĩnh vực di truyền chọn giống tôm sú như: đánh giá mức độ biến dị của quần đàn thu thập, sản xuất gia đình tôm sú, đánh dấu từng gia đình bằng phẩm màu huỳnh quang, cải thiện di truyền của quần đàn tôm sú… Kết quả của Đề tài là lần đầu tiên tại Việt Nam những kết quả nghiên cứu về di truyền số lượng được công bố, đầy đủ các thông số di truyền cơ bản của tôm sú và là cơ sở lý luận cho những nghiên cứu tiếp theo trên đối tượng này.
  1. Hiệu quả về kinh tế và xã hội: Đề tài đã tạo ra sản phẩm là đàn tôm chọn giống thế hệ G1, sạch bệnh, số lượng 1.076 con, với các thông số di truyền như đã được trình bày, chưa có trên thị trường. Đây là nguồn vật liêu ban đầu cho các thế hệ chọn giống tiếp

Có thể cung cấp cho thị trường đàn tôm chọn giống từ thế hệ G2 để sản xuất thành tôm bố mẹ. Có thể nhanh chóng chuyển giao công nghệ sản xuất tôm gia hóa sạch bệnh cho các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu.

Tôm chọn giống, sạch bệnh khi được thương mại hóa sẽ cung cấp cho thị trường con giống có tính trạng tăng trưởng nhanh, không mang mầm bệnh, đây là 02 đặc tính hiện đang làm ngành công nghiệp này chậm phát triển trong những năm gần đây.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:

  • Bốn quần thể ban đầu thu thập bao gồm 3 quần thể từ tự nhiên (Nội địa, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương) và 1 quần thể gia hóa có chỉ số sai khác di truyền giữa các quần thể là khá nhỏ (FST 0,033 ± 0,05). Có sự khác biệt chỉ số thông tin đa hình PIC và chỉ số đa dạng gien của nhóm mẫu gia hóa (thấp nhất) với các nhóm mẫu từ tự nhiên. Xét về kiểu hình trong các phép lai nội dòng thì phép lai GG cho kết quả tăng trưởng tốt nhất sau đó lần lượt là các phép lai NN và hai nhóm tôm nhập nội (AA và TT). Dòng nội địa (NN) thể hiện sự trội hơn về tính trạng tăng trưởng đối với 2 đàn tôm có nguồn gốc tự nhiên còn lại (TT và AA). Hơn nữa, con cái và con đực của phép lai có sự hiện diện của con mẹ có nguồn gốc nội địa (N) cho tỷ lệ sống cuối giai đoạn thành thục là khá và ổn định; tỷ lệ tham gia sinh sản và tỷ lệ lấy tinh cao nhất. Tôm cái của các phép lai (GA, GG, GN, GT) có nguồn gốc Gia hóa cho tỷ lệ tham gia sinh sản thấp nhất. Hệ số biến thiên khối lượng thân của các phép lai dao động từ trung bình đến cao, 17,4% đến 28,7%. Như vậy, nguồn vật liệu G0 có tính đa dạng cao và là nguồn vật liệu tốt cho chọn giống.
  • Hệ số di truyền của tính trạng khối lượng thu hoạch khá cao, việc chọn lọc dự kiến sẽ mang lại hiệu quả cao. Hệ số di truyền ước tính (h 2 ) cho tôm nuôi tại Khánh Hòa là 0,60 ± 0,17 và cho tôm nuôi tại Bà Rịa – Vũng Tàu là 0,56 ± 0,15. Hệ số di truyền cho tính trạng tỉ lệ sống cá thể, ước tính cho tôm nuôi tại Khánh Hòa là 0,18 ± 0,02 và cho Bà Rịa – Vũng Tàu là 0,19 ± 0,02. Tương quan di truyền giữa tỉ lệ sống và khối

 

lượng thu hoạch ở Vạn Ninh là 0,40 ± 0,08 và ở Vũng Tàu là 0,29 ± 0,08, cho thấy việc chọn lọc cải thiện tăng trưởng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến tỉ lệ sống của tôm nuôi. Có tương tác G x E ở mức độ nhẹ với tương quan di truyền (rg) của khối lượng tôm khi thu hoạch giữa 2 môi trường nuôi Vạn Ninh và Vũng Tàu được ước tính là 0,75 ± 0,09. Như vậy, quần thể chọn giống ban đầu có hệ số di truyền cao giúp chúng ta yên tâm cho chọn giống tiếp theo và hiệu quả chọn lọc ước tính cho trọng lượng lúc thu hoạch có thể cao ở cả môi trường nuôi Nam và Trung Bộ.

  • Khi áp dụng quy trình gia hóa và chọn giống của đề tài, 69 gia đình tôm bố mẹ thế hệ G0 được xác định sạch bệnh đã sinh sản tạo được 77 gia đình fullsib và halfsib thế hệ G1 phục vụ cho việc tính toán các thông số di truyền cơ bản. Kết quả chọn lọc được

1.076 con tôm hậu bị thế hệ G1 làm cơ sở cung cấp vật liệu có chất lượng về tăng trưởng và sạch bệnh cho những chọn giống tiếp theo. Đối với quần thể tôm sú G1, hiệu quả chọn lọc ước tính trong trường hợp chọn lọc ngắt đoạn là 4,3 g và cho chọn lọc gia đình là 4,1 g. Tỉ lệ gia tăng chọn lọc tương ứng là 19,2 và 18,1%. Chọn lọc sẽ gia tăng tăng trưởng trong những thế hệ tôm tiếp theo.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15087/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.K.L (NASATI)