Hiện nay, Hà Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, chất lượng bữa ăn ngày càng được nâng cao. Vì vậy muốn nâng cao mức sống của nông dân, cần đưa ra sản xuất những giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh khá. Để phát triển một số sản phẩm lúa gạo có chất lượng cao là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường. Sản phẩm của dự án hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm giống và gạo hiện có trên thị trường, vì vậy có tác động trực tiếp và tích cực đến kinh tế – xã hội cũng như an ninh lương thực, có tác dụng gián tiếp đến sự ổn định và an ninh xã hội.

Giống lúa thuần BQ, CNC11, QJ1 là các giống lúa chất lượng cao được 6 chọn tạo bởi tập thể các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương, Trung tâm thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao. Giống có lợi thế hơn giống lúa Bắc Thơm 7 về năng suất vượt trội từ 10 – 15%, khả năng chống chịu bệnh bạc lá vụ Mùa mà chất lượng tương đương giống Bắc Thơm 7 đang trồng đại trà tại tỉnh Hà Nam, trong tương lai, giống sẽ thay thế dần giống Bắc thơm 7 để góp phần giữ vững thương hiệu gạo thơm Hà Nam. Vì vậy, sản phẩm của Dự án tạo ra không những chỉ đáp ứng nhu cầu về giống lúa thuần chất lượng trong cả vụ Xuân và vụ Mùa, chất lượng gạo phù hợp nội tiêu và xuất khẩu. Góp phần chuyển dịch cơ cấu giống, đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội, nâng cao hiệu quả của sản xuất lúa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh là yêu cầu cần thiết.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm Hà Nam thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Phạm Thị Hồng Thái thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại tỉnh Hà Nam với mục tiêu xây dựng được mô hình liên kết sản xuất theo quy trình khép kín từ nhân giống, sản xuất lúa hàng hóa, đến chế biến gạo chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Tỉnh Hà Nam nằm cách thành phố Hà Nội khoảng 60 km về phia Nam và ở Tây Nam châu thổ sông Hồng. Tỉnh có tọa độ địa lý trong khoảng từ 20o22’ đến 20o42’ vĩ bắc và từ 105o45’ đến 106o10’ kinh đông. Hà Nam giáp với các tỉnh Hà Tây về phía Bắc, Hưng Yên và Hà Nam về phía Đông, Nam Định về phía Đông Nam, Ninh Bình về phía Nam và Hoà Bình về phía Tây.

Theo số liệu thống kê đến năm 2015: toàn tỉnh có diện tích tự nhiên 86.049 19 ha dân số 798.572 người với mật độ 928 người/km². Với vị trí chiến lược gần thủ đô Hà Nội, địa hình đa dạng bao gồm cả núi, sông, đồng bằng, hệ thống giao thông thủy, bộ, sắt trải rộng, nguồn lao động dồi dào, Hà Nam đã thực sự trở thành một địa bàn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trung tâm tỉnh nằm trên trục đường Quốc lộ 1A, đường cao tốc 1B, đường sắt Bắc – Nam chạy qua và một số tuyến đường liên tỉnh khác như QL 21A, 21B… tạo nhiều thuận lợi cho tỉnh trong giao lưu kinh tế văn hoá với các tỉnh khác và đặc biệt với thủ đô Hà Nội. Đó là tiền đề cơ bản thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, dễ dàng kết nối với các thị trường có nhu cầu tiêu thụ nông sản phẩm vừa có giá trị cao và bền vững.

Hà Nam là một tỉnh đồng bằng giáp núi nên địa hình có tương phản rõ rệt giữa địa hình đồng bằng và địa hình đồi núi. Địa hình tỉnh thấp dần từ tây sang đông, đồi núi tập trung ở phía tây, đồng bằng ở phía đông. Hướng địa hình đơn giản theo hướng Tây Bắc – Đông nam, phù hợp với hướng phổ biến nhất của núi, sông Việt Nam. Hướng dốc của địa hình cũng là hướng Tây Bắc – Đông Nam theo thung lũng sông Hồng, sông Đáy và dãy núi đá vôi Hòa Bình – Ninh Bình.

Hà Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa đông lạnh, khô hanh. Hướng gió thịnh hành là gió Đông Bắc về mùa Đông, gió Tây Nam về mùa hè, số giờ nắng trong năm khoảng 1.369 giờ nắng. Nhiệt độ trung bình năm 24,18oC, nhiệt độ cao nhất lên đến 29,6oC. Chế độ mưa ở Hà Nam thay đổi nhiều trong năm, mưa tập trung vào mùa hè (mùa mưa) bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 9, tổng lượng mưa trung bình năm là 1510,3 mm. Độ ẩm trung bình ở Hà Nam khoảng 79 – 90% cũng như nhiều khu vực khác ở đồng bằng sông Hồng, độ ẩm cao nhất đạt khoảng 90%. Các dòng sông đóng góp cho điều hòa nước chính ở Hà Nam là sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu và sông Hồng.

Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại tỉnh Hà Nam” đã hoàn thành đầy đủ các nội dung và đạt được mục tiêu đề ra.

Dự án đã chuyển giao và tiếp nhận 12 quy trình kỹ thuật sản xuất các giống lúa mới và kỹ thuật thu hoạch, chế biến gạo thương phẩm theo đúng thuyết minh dự án. Hiện nay, đơn vị chủ trì đã làm chủ các quy trình công nghệ trên và vẫn đang tiếp tục duy trì, làm đầu mối cho các địa phương có nhu cầu tiếp tục được ứng dụng các công nghệ và gieo trồng các giống lúa mới trên vào sản xuất tại địa phương.

Dự án đã đào tạo được 08 cán bộ kỹ thuật, tiếp nhận được đầy đủ 12 quy trình kỹ thuật theo hợp đồng dự án và làm chủ các quy trình công nghệ để tuyên truyền nhân rộng. Tập huấn trên 400 hộ dân vùng tham gia dự án.

Đã xây dựng thành công 12 mô hình ứng dụng. Dự án có tính thực tiễn cao, khả năng nhân rộng tốt, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Kết quả xây dựng các mô hình cụ thể như sau: Xây dựng mô hình sản xuất lúa giống nguyên chủng BQ, QJ1, CNC11 với diện tích là 60 ha; mô hình sản xuất lúa giống xác nhận BQ, QJ1, CNC11 vơi diện tích là 150 ha; mô hình sản xuất lúa thương phẩm BQ, QJ1, CNC11 vơi diện tích 600 ha; mô hình thu hoạch và chế biến gạo BQ, QJ1, CNC11 thương phẩm chất lượng là trên 1.500 tấn gạo thương phẩm.

Dự án đã hoàn thành đầy đủ các thanh quyết toán tài chính, tất cả các hạng mục chi trong dự án đều được công khai, rành mạch dưới sự giám sát của chính quyền, người dân địa phương, từ đó tạo sự đồng thuận và tin tưởng của những địa phương, người dân tham gia dự án.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18726/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn