Áp dụng vi lượng đất hiếm trong phân bón làm tăng sự phát triển của bộ rễ cho cây trồng cũng như tăng khả năng chống hạn, chịu đựng sâu bệnh. (Ảnh minh họa)
Ngày 6/10/2022 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử lần thứ 7 do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) tổ chức. Sự kiện hướng tới thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Trong rất nhiều công nghệ để xử lý, hỗ trợ cho nông nghiệp, ứng dụng công nghệ vi lượng đất hiếm đã được sử dụng và phát triển nhiều ở các quốc gia như Isreal, Úc, Đức, Mỹ… Tại Việt Nam cũng đang áp dụng vi lượng đất hiếm cho các lĩnh vực và nổi bật hơn hết là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại Việt Nam, những nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên về ảnh hưởng của đất hiếm đến sự phát triển của một số cây trồng đã được tiến hành từ những năm 1990 và lần đầu tiên được áp dụng trên đồng ruộng vào năm 1993. Chế phẩm phun lá đất hiếm 93 dùng trong nông nghiệp như một thứ phân bón vi lượng, giảm lượng phân bón thông thường. Hiện nay, Viện NLNTVN đã có nhiều nghiên cứu và triển khai ứng dụng sản phẩm chứa vi lượng đất hiếm giúp tăng năng suất và tăng chất lượng trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ hải sản tại một số địa phương và đã thu được những kết quả tốt về chất lượng, có hiệu quả kinh tế cao và vẫn bảo vệ được sức khỏe của người tiêu dùng, như: sử dụng phân bón chứa vi lượng đất hiếm cho cây chè, và cây dược liệu; sử dụng vi lượng đất hiếm trong thức ăn chăn nuôi (gà, lợn) và nuôi trồng thuỷ sản.
Ứng dụng vi lượng đất hiếm trong trồng trọt và chăn nuôi cho thấy rất nhiều tiềm năng. Trong phân bón có đất hiếm giúp thúc đẩy quá trình phát triển của cây, tăng tích lũy và vận chuyển hydrocarbon, đóng vai trò là chất hoạt hóa, tác động lên quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Thực tế ứng dụng đất hiếm giúp cây trồng năng suất tăng từ 15-40%, hàm lượng đường ở mía (tăng 0,5%), dưa hấu (tăng 0,5-1%) và vitamin C trong các trái cây (tăng 4% cho cam). Phân bón vi lượng đất hiếm hữu cơ hiện được ứng dụng trong các mô hình trồng trọt như chè hữu cơ (Thái Nguyên), khổ qua, ớt sừng tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời, hay bưởi cam Hà Tĩnh, măng tây Quảng Ngãi…
Sử dụng phụ gia đất hiếm trong nuôi trồng thủy sản cũng làm tăng tỷ lệ sống, tăng trưởng nhanh. Các nghiên cứu thử nghiệm trong nuôi tôm, cá, sò, trai cho thấy khả năng kích thích sự phát triển của nhiều enzym, tăng sức đề kháng với bệnh tật, ví dụ tôm tăng tỷ lệ sống tới 15%. Bên cạnh đó, phụ gia đất hiếm ứng dụng trong chăn nuôi lợn giúp tăng trọng cải thiện 10-20%, chi phí thức ăn giảm 8-10%.
Vi lượng đất hiếm được nhiều quốc gia như Trung Quốc, Tây Âu đã ứng dụng vào chăn nuôi, nông nghiệp. Tại Việt Nam, nghiên cứu về vi lượng đất hiếm trong loại cây đã triển khai, song hiện mới chỉ có những nguyên tố dạng nhẹ (như hai nguyên tố là lanthan và xeri) được sử dụng phổ biến.
Một số đơn vị triển khai đề tài ứng dụng đất hiếm trong nuôi gà, cá, lợn song mới ở giai đoạn bước đầu. Trong tiêu chuẩn chăn nuôi vẫn chưa có tiêu chí về vi lượng đất hiếm. Theo các chuyên gia việc ứng dụng đất hiếm rộng rãi sẽ giúp khai thác hiệu quả các nguyên tố, chế biến, phân chia các nguyên tố ứng dụng phù hợp để mang lại hiệu quả cao.
Tại hội nghị, nhiều công nghệ cũng được giới thiệu như ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền trong xác thực chất lượng và phân biệt nguồn gốc địa lý của sản phẩm nông sản. Ứng dụng công nghệ sử dụng bức xạ chùm tia điện tử (EB) trong xử lý kiểm dịch khi xuất khẩu trái cây tươi.
Nguồn: vista.gov.vn