(Khoa học & Phát triển) Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) vừa nhận được khoản tài trợ trị giá 380.000 USD của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để thực hiện hai dự án giảm thiểu rác thải đại dương ở Hạ Long và Nam Định.

Lễ ký kết trao tài trợ của Michael Greene – giám đốc USAID tại Việt Nam – và bà Hồ Thị Yến Thu, phó giám đốc thường trực của MCD, đã diễn ra trong hội nghị “Các quan hệ đối tác mới nhằm phòng chống ô nhiễm nhựa đại dương” do Trung tâm Hoa kỳ tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 29/6. Sự kiện cũng có sự góp mặt của ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Khoản tài trợ này nằm trong khuôn khổ Chương trình Tái chế Rác thải Đô thị (MWRP) do USAID thực hiện trong thời gian 5 năm, từ năm 2016 đến năm 2021. MWRP được thiết kế nhằm làm giảm các nguồn gây ô nhiễm nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền tại các quốc gia Sri Lanka, Philippines, Việt Nam và Indonesia. Chương trình này cung cấp tiền tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các nỗ lực quản lý và tái chế chất thải rắn ở khu vực đô thị và ven đô thị.

Theo USAID, Việt Nam phát thải khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa vào đại dương mỗi năm. Điều này khiến Việt Nam trở thành quốc gia xếp thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Hiện nay, Việt Nam có 5 dự án nằm trong khuôn khổ chương trình MWRP đang diễn ra tại vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, đảo Phú Quốc, thành phố Hồ Chí Minh với tổng số tiền tài trợ là 1 triệu USD.

 

Hai dự án của MCD sẽ được thực hiện trong thời gian tới đó là: (1) Những bài học kinh nghiệm từ mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa đô thị tại Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long (bắt đầu từ ngày 1/7/2018 đến 31/12/2019) và (2) Thí điểm so sánh các thực hành quản lý rác thải nhựa đô thị trong các nguồn nước nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa trên biển tại Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới của Nam Định, Việt Nam (bắt đầu từ ngày 1/7/2018 đến 30/6/2020).

Ở dự án đầu tiên, MCD tập trung vào 3 phường ven biển của thành phố Hạ Long, nơi diễn ra các hoạt động du lịch và đánh cá của người dân địa phương. Dự án sẽ giải quyết những khoảng trống trong công tác quản lý chất thải rắn đô thị hiện nay tại thành phố Hạ Long, đặc biệt là việc quản lý không hiệu quả rác thải thu gom và tình trạng trực tiếp xả rác không thu gom xuống biển.

Trong dự án thứ hai, MCD sẽ hợp tác với cán bộ chính quyền địa phương như các cơ quan của tỉnh Nam Định và Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy để tìm ra những cách tiếp cận thực tế và sáng tạo để cải thiện công tác quản lý chất thải rắn hiện nay, làm giảm tốc độ ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng tăng tại các tuyến đường thủy trong khu vực, đặc biệt là tuyến sông Hồng.

“Để giảm đáng kể lượng rác thải nhựa đổ ra biển, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và cộng đồng. Chúng ta phải có những cách tiếp cận thực tế và sáng tạo để thu gom, xử lý chất thải nhựa. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này”, bà Thu cho biết.

Các loại rác thải nhựa không dễ dàng phân hủy. Thời gian phân hủy của chúng có thể kéo dài từ hàng chục đến hàng trăm năm. Thậm chí các loại nhựa gắn mác”phân hủy sinh học” cũng không thể tan dễ dàng trong môi trường nước lạnh. Sau một thời gian, các sản phẩm nhựa vỡ ra thành nhiều mảnh, hình thành nên những mảnh nhựa siêu nhỏ, dường như vô hình đối với mắt của chúng ta nhưng vô cùng độc hại đối với sinh vật biển và môi trường.