Vệ tinh siêu nhỏ NanoDragon sẽ được phóng lên vũ trụ vào cuối năm 2020, theo Chương trình phóng tên lửa của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Theo TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đơn vị này đang nghiên cứu, chế tạo vệ tinh NanoDragon. Vệ tinh siêu nhỏ này có khối lượng 10kg, được phát triển, hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia tại Việt Nam.

Khi phóng lên vũ trụ, vệ tinh này có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano.

Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020.

Mới đây vệ tinh này cũng đã được JAXA thông báo đồng ý đưa lên quỹ đạo theo “Chương trình trình diễn công nghệ vệ tinh tiên tiến 2”, dự kiến vào năm 2020.

NanoDragon là bước tiếp theo trong tiến trình làm chủ công nghệ vệ tinh ở Việt Nam. Trước đó, vào lúc 8h55 (giờ Hà Nội) ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã được phóng lên vũ trụ, tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian, đánh dấu việc Việt Nam có thể làm chủ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ 50kg.MicroDragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Vệ tinh này cũng sẽ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của không khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển, thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất. MicroDragon cũng sẽ thử nghiệm một số công nghệ vật liệu mới.

MicroDragon được phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu từ năm 2013-2017.

Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, để làm chủ công nghệ vệ tinh, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đặt ra một lộ trình. Theo đó, Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế, chế tạo từ vệ tinh siêu nhỏ, vệ tinh nhỏ đến những vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là công nghệ radar (LOTUSat-1).

Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến.

Phương Hà