Hà Văn Lộc, Trưởng dự án nhang ngải cứu bày tỏ lòng biết ơn với các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của TP.HCM giúp anh phát triển dự án, mang sản phẩm tâm huyết của mình đến với cộng đồng. Ảnh: Hà Thế An.

Tháng 6 năm 2018, dự án của Lộc đã giải ngân hết số tiền hỗ trợ 700 triệu (trong 9 tháng) từ chương trình SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Lộc nói, nguồn kinh phí hỗ trợ này đã giúp dự án của anh thực hiện các công việc kiểm định, lấy giấy chứng nhận sản phẩm từ cơ quan chức năng, thử nghiệm vùng trồng nguyên liệu.

Cụ thể, ngải cứu sẽ được trồng nhiều dạng đất, môi trường khác nhau để cho ra mùi hương tốt nhất. Trong thời gian đó, Lộc đã thử nghiệm vùng trồng ở huyện Củ Chi (TP.HCM) và tỉnh Long An.

“Việc thu hoạch trong năm để xác định vùng nào trồng được, vùng nào không. Với 2 công việc quan trọng này, mình đã sử dụng số tiền 700 triệu tài trợ từ chương trình SpeedUp. Trong quá trình dự án phát triển và nhận được nguồn tài trợ, sản phẩm được mọi người ủng hộ sản phẩm vì chất lượng và tốt cho sức khỏe con người”- Lộc nói.

Từ những cơ sở đó, trong 2 tháng trở lại đây startup của Lộc có mức doanh thu khá tốt với khoảng hơn 200 triệu đồng/tháng. Hiện Lộc có khoảng 1 ha ngải cứu trồng tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An theo quy trình hữu cơ. Mỗi tháng Lộc sản xuất từ 10.000 đến 15.000 hộp nhang (mỗi hộp 100 cây nhang).

Quy mô sản xuất của Lộc có thể sẽ tăng thêm khi mới đây anh đã có những buổi tiếp xúc với lãnh đạo Ban quản lý Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, phường Long Bình, Q.9, TP.HCM về việc sử dụng đất trong khuôn viên công viên để trồng ngải cứu.

“Lãnh đạo Ban quản lý Công viên tỏ ra khá quan tâm tới dự án và nói sẽ tạo điều kiện để chúng tôi có được một khu đất trồng ngải cứu”- Lộc nói.

Việc Lộc mở rộng sản xuất nhằm mục tiêu để nhang sạch có thể đến với cộng đồng nhiều hơn. Vì theo một công bố mới đây, mỗi năm người Việt Nam tiêu tốn khoảng 1 nghìn tỉ đồng cho việc đốt nhang.

Các loại nhang trên thị trường hầu hết dùng các loại keo kết dính. Khi đốt nhang chất keo này sẽ cháy và tạo ra hai loại khí độc hại là HCHO và benzen. Trong khi đó, theo kết quả kiểm nghiệm khói của bột nhang làm từ ngải cứu của Lộc không có hai loại khí độc này.

Không những thế, vì không dùng keo kết dính nên nhang thành phẩm của Lộc vẫn giữ nguyên hàm lượng tinh dầu và chất Tanin có trong ngải cứu nhờ công nghệ sấy Infranred. Nhang ngải cứu của Lộc giúp an thần, không cay mắt, không gây dị ứng mũi và giúp xua đuổi côn trùng hiệu quả. Nhang thắp ngải cứu có thể khử mùi ẩm mốc, mùi hôi trong không khí và làm cho không khí trở nên trong lành và thoáng mát, thân thiện môi trường.

Chính vì những lý do đó, Lộc mong muốn sản phẩm của mình đến được với nhiều người hơn, đặc biệt là trong dịp đại lễ phật đản Vesak sắp tới.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết, sản phẩm của Lộc đã nắm bắt được xu hướng sử dụng sản phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe của người dân hiện nay.

Đặc biệt đây là dự án sử dụng công nghệ mới với một sản phẩm tự nhiên mà không cần dùng hóa chất và phụ gia.

“Nhang là một sản phẩm gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Việt Nam và nhiều nước Châu Á, vì thế tôi tin tưởng sản phẩm tốt này sẽ được đón nhận”- ông Tuấn cho biết.

SpeedUp là chương trình hỗ trợ tối đa 2 tỉ đồng/dự án khởi nghiệp do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai nằm trong chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 của TP.HCM. Năm 2017, Lộc là một trong số 14 startup được hỗ trợ tài chính từ chương trình SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Startup của Hà Văn Lộc từng giành Quán quân cuộc thi Best Innovation Award năm 2016 với sản phẩm nhang và máy hơ ngải cứu. Hiện dự án của Lộc đang ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHBI).

Mới đây, startup của Lộc đã tài trợ 20.000 cây nhang phục vụ lãnh đạo và nhân dân TP.HCM dâng hương nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương tại Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Quận 9, TP.HCM.

Hà Thế An – Khampha.vn