(Tạp chí khám phá) Việc xây dựng đô thị thông minh tại 24 quận huyện ở TP.HCM phải hướng đến người dân, làm vì nhân dân, vì sự phục vụ tốt cho người dân chứ không được làm theo kiểu đối phó.
Chiều ngày 14/2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh tại 24 quận, huyện. Tại hội nghị, quận 1 và quận 12 đã báo cáo kết quả sau 2 năm triển khai thí điểm đề án trên địa bàn để 22 quận, huyện còn lại có cái nhìn rõ hơn về đô thị thông minh.
Giải quyết thủ tục không giấy tờ
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết, quá trình xây dựng đô thị thông minh ở địa bàn trung tâm của trung tâm TP.HCM đã có kết quả bước đầu sau 2 năm triển khai.
Toàn cảnh hội nghị triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh tại 24 quận, huyện
Theo đó, quận 1 có mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh được tích hợp cùng 8 hệ thống thông minh, gồm phòng cháy chữa cháy thông minh, quản lý đô thị thông minh, quản lý giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng.
Quận đã hoàn thành việc tích hợp camera tại địa bàn dân cư và trụ sở công an 10 phường trên địa bàn, kết nối về Trung tâm Điều hành đô thị thông minh với 1.115 camera và 128 đầu thu; đầu tư lắp đặt mới các camera quan sát tầm xa tại những vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự.
“Hệ thống này đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho quận 1 trong công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống phát sinh vào các ngày lễ, Tết và phòng chống, báo động, các hành vi quá khích gây rối trật tự công cộng vào các đợt cao điểm bảo đảm an ninh trật tự” – ông Dũng thông tin.
Đồng thời, quận 1 cũng triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến “Tiếp nhận đăng ký không giấy” các lĩnh vực kinh tế, lao động, tư pháp, đô thị, nội vụ và dịch vụ trực tuyến đăng ký tuyển sinh đầu cấp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, số hóa dữ liệu, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố; triển khai hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng.
Trong năm 2020, quận sẽ tiếp tục triển khai bốn hệ thống gồm xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm điều hành đô thị thông minh; nâng cấp hệ thống camera an ninh thông minh; hệ thống quảng bá du lịch thông minh; xây dựng hệ thống cảnh báo cháy thông minh nhằm xây dựng hệ thống quản lý toàn diện, đồng bộ các cấp, ban, ngành trong công tác kết nối, theo dõi và hỗ trợ hiệu quả.
Theo kinh nghiệm được Chủ tịch UBND quận 1 đưa ra là phải quyết tâm, quyết liệt nếu muốn xây dựng thành công Đề án đô thị thông minh. Trước hết, phải có chủ trương cụ thể và tài chính bảo đảm. Thứ 2, là phải liên tục cập nhật kịp thời các ứng dụng công nghệ thông tin.
Ứng dụng ảnh viễn thám và GIS trong quản lý đô thị
Nhằm giám sát biến động sử dụng đất và phát hiện các công trình xây dựng không phép, UBND Quận 12 đã xây dựng, triển khai ứng dụng ảnh viễn thám và GIS trong quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; sử dụng ảnh độ phân giải siêu cao từ vệ tinh kết hợp ứng dụng GIS để phân loại, tách đối tượng công trình xây dựng, đánh giá biến động của công trình xây dựng so với dữ liệu quy hoạch, so sánh biến động giữa hai thời điểm thu nhận ảnh.
Ngoài các kênh tương tác truyền thống, quận đã xây dựng trang web, facebook, zalo để tương tác với đông đảo người dân hơn. Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Quận 12, cho hay: “Trong vòng 48 tiếng, tất cả phản ánh của người dân đều được trả lời. Chúng tôi còn sử dụng robot đọc, trả lời người dân, đảm bảo tất cả ý kiến của người dân đều được tiếp nhận và xử lý, không bỏ sót”.
Ông Hiếu chia sẻ, qua triển khai thí điểm đề án trên địa bàn quận đã tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực; các ứng dụng công nghệ thông tin do UBND quận triển khai được sự đánh giá cao từ UBND Thành phố, các địa phương và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhân dân.
Tuy nhiên, ông Lê Trương Hải Hiếu nhìn nhận, tiến độ một số dự án triển khai chậm so với kế hoạch do thủ tục, hồ sơ giải ngân dự án theo quy định khá nhiều. Một số cán bộ, công chức ít sử dụng hộp thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc…, còn phụ thuộc vào văn bản, hồ sơ giấy. Ngoài ra, hạ tầng thiết bị như máy tính, máy chủ, bộ lưu điện tại trụ sở đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng. Việc nâng cấp, thay mới gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn.
Ông Hiếu kiến nghị UBND TP có chính sách cho phép UBND quận chủ động triển khai nâng cấp, bổ sung cổng dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 3, 4); sớm bố trí vốn cho quận nâng cấp trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh quận; có cơ chế phù hợp thu hút nhân tài phục vụ việc xây dựng đề án đô thị thông minh.
Mỗi người dân là một cảm biến
Nhận xét về kết quả thí điểm tại hai quận nói trên, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho rằng việc triển khai đô thị thông minh rất đa dạng. Như quận 1 với quận 12 thí điểm có sự khác nhau nên đã triển khai với những mô hình, khai thác ưu thế riêng. Do đó, để triển khai thành công, cần xác định rõ nhu cầu, hiện trạng để xây dựng kế hoạch phù hợp. “Cần có yếu tố tốt về nguồn lực như nhân lực, vật lực, vốn; biết ứng dụng công nghệ phù hợp, kịp thời và có sự kết nối; ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ cao khác nên phải có sự phân kỳ đầu tư hiệu quả vì công nghệ thông tin thường xuyên thay đổi” – ông Đức nói.
Trong khi đó, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, cho biết, công viên Phần mềm Quang Trung hiện có 40 ứng dụng liên quan đến đô thị thông minh và sẵn sàng hỗ trợ các quận, huyện. Tuy nhiên, ông Long lưu ý khi các quận, huyện ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ, cần phải bảo đảm yếu tố an toàn thông tin, tránh thất thoát dữ liệu khi kết nối về TP.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận xét, những kết quả tại quận 1 và quận 12 là cơ sở quan trọng để TP triển khai, mở rộng đề án ra tất cả quận, huyện. Ông Nguyễn Thành Phong cho hay, TP sẽ thành lập hội đồng đánh giá kết quả thí điểm tại 2 địa phương này một cách cụ thể để triển khai mở rộng hiệu quả.
Về phía 22 quận, huyện còn lại, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu đến 15/3 phải xây dựng xong Đề án các quận, huyện trở thành đô thị thông minh phù hợp với đặc thù của từng quận, huyện. Trong đó xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực, lộ trình và điều kiện thực hiện.
Sau khi xây dựng xong đề án, các quận, huyện phải trình đề án lên Tổ Công tác của TP để được góp ý, hoàn chỉnh và phê duyệt; trình đề án lên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND quận, huyện thông qua. Khi đề án được thông qua, các quận, huyện phải thành lập ban điều hành thực hiện đề án.
Song song đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, để họ hiểu một cách đầy đủ bởi chính họ cùng với chính quyền thực hiện đề án. Không có sự hợp tác, đồng thuận của người dân thì khó lòng làm được. “Đề án phải hướng đến người dân, mở rộng tính tương tác giữa người dân và chính quyền, coi người dân như là một cảm biến”, ông Phong lưu ý.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị các quận, huyện có kế hoạch huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ cán bộ trong việc xây dựng đô thị thông minh. “Làm vì nhân dân, vì sự phục vụ tốt cho người dân chứ đừng làm theo kiểu đối phó”, ông Phong nhấn mạnh.