Với lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu là 4.000m3/người/năm, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia thiếu nước theo đánh giá của Hội tài nguyên nước quốc tế (IWRA). Hiện nay, việc khai thác và cung cấp nước sạch tại các vùng núi cao phía Bắc và một số vùng ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ đang gặp nhiều khó khăn do nguồn nước khan hiếm làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, tăng khoảng cách vùng, miền, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế– xã hội và an ninh quốc phòng của địa phương. Đặc biệt ở khu vực Nam Trung Bộ tồn tại đới khô nóng Bình Thuận – Ninh Thuận từ Nha Trang đến Hàm Tân là vùng có chỉ số khô hạn từ 1 đến 1,5; lượng mưa trung bình năm không vượt tới 700mm và lượng bốc hơi tới 1.600 đến 2.000mm/năm; độ ẩm tuyệt đối có khi xuống tới 20%, bức xạ mặt trời tổng cộng hàng năm lên tới 170 đến 190Kcal/cm2/năm. Mặt khác, do địa hình phân cắt khá mạnh, hệ thống sông suối trong vùng đều ngắn, trắc diện dọc và ngang, khá dốc, lượng nước trên các sông vào mùa mưa còn không đáng kể. Ngoài ra, vùng bắc Tây Nguyên được giới hạn bởi 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, diện tích 25.110 km2, dân số 1.377.334 người, thường có mùa khô kéo dài 6 tháng liên tục; là vùng có thế mạnh về tài nguyên đất, tài nguyên rừng, có điều kiện mở rộng diện tích cây công nghiệp, đồng thời là một trong những địa bàn chiến lược an ninh, quốc phòng của nước ta. Quá trình xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội hiện tại cũng như trong tương lai của vùng bắc Tây Nguyên gắn liền với nhu cầu về nguồn nước phục vụ cho ăn uống sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tưới cây nông nghiệp và công nghiệp, và các hoạt động kinh tế khác của vùng là một trong những vấn đề đang đặt ra một cách cấp thiết.

Hiện nay, với các phương pháp địa vật lý phù hợp, máy móc thiết bị, công nghệ kỹ thuật mới là cơ sở tin cậy để nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ địa vật lý hiện đại tìm kiếm nước ngầm trong  những vùng khan hiếm nước ở chiều sâu lớn phục vụ nhu cầu cấp bách của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trước mắt là phục vụ nhu cầu của tỉnh Bình Thuận và Gia Lai.

Với mục tiêu Xác lập tổ hợp các phương pháp địa vật lý và xây dựng quy trình công nghệ đo đạc, thu thập, xử lý số liệu địa vật lý để tìm kiếm nước ở chiều sâu lớn khu vực khan hiếm nước; Thử nghiệm tổ hợp các phương pháp trên diện tích có triển vọng nước ngầm ở các tỉnh Bình Thuận và Gia Lai. Cơ quan chủ trì đề tài Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Tiên Phong để thực hiện.

Sau thời giàn nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Qua ba năm thực hiện đề tài, tập thể tác giả báo cáo đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong đề cương được duyệt. Cụ thể là:

  • Đã nghiên cứu và tổng hợp tài liệu hiện có nhằm đánh giá tổng quan về điều kiện địa chất, địa chất thủy văn của 2 khu vực nghiên cứu thử nghiệm ở Bình Thuận và Gia Lai;
  • Đề tài đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm các phương pháp địa vật lý (từ, VLF, radar xuyên đất, đo sâu phân cực, đo sâu trường chuyển, đo sâu cọng hưởng từ hạt nhân) trên 4 tuyến ở khu vực Hòa Thắng – Bắc Bình – Bình Thuận và 3 tuyến ở khu vực Bờ Ngoong – Chư Sê – Gia Lai. Các tuyến đã lựa chọn để thử nghiệm đảm bảo yêu cầu của đề cương đề ra và là nơi thuộc vùng khan hiếm nước ở chiều sâu lớn đồng thời có các tài liệu lỗ khoan đối chứng để làm cơ sở đánh giá hiệu quả của từng phương pháp địa vật lý.
  • Kết quả tổ hợp các phương pháp địa vật lý (từ ,VLF, radar xuyên đất, đo sâu phân cực kích thích, đo sâu trường chuyển và đo sâu cộng hưởng từ) trên 4 tuyến ở khu vực Hòa Thắng có một số nhận xét sau:

+ Kết quả đo từ và VLF không xác định được dị thường liên quan với đứt gãy, đới dập vỡ nứt n chứa nước trên diện tích nghiên cứu;

+ Kết quả đo radar xuyên đất không xác định được các đới đứt gãy dập vỡ chứa nước, đã xác dịnhđược ranh giới giữa lớp cát khô màu trắng trên mặt với lớp cát hạt thô màu đỏ chứa nước ở độ sâu khoảng 15m nằm trên phần đỉnh của cồn cát;

+ Phương pháp đo sâu phân cực đạt hiệu quả cao trong việc tìm kiếm nước ngầm ở Bình thuận (trừ các khu vực cồn cát cao trên bề mặt có điện trở suất cao không thể phát dòng để đo sâu phân cực). Kết quả đo sâu phân cực đã xác định được quy mô phân bố trong không gian của lớp cát hạt thô màu đỏ có giá trị điện trở suất từ 50 Ωm đến <500 Ωm, hệ số phân cực > 2,5%, chiều dày thay đổi từ 10m đến khoảng 50m.liên quan với lớp cát màu đỏ hạt thô chứa nước tốt, nằm ở độ sâu thay đổi từ vài mét đến khoảng 80m.

+ Phương pháp đo sâu trường chuyển đã khống chế được lớp cát khô trên mặt màu trắng và lớp cát hạt thô màu đỏ chưa nước tốt. Đo sâu trường chuyển có mức độ phân dị kém hơn đo sâu phân cực, không xác định được ranh giới của lớp cát màu trắng trên mặt với lớp cát hạt thô màu đỏ chứa nước tốt, nhưng lại thực hiện được trên vùng điện trở suất rất cao như trên cồn cát

+ Đo sâu cộng hưởng từ cho ngay tín hiệu liên quan trực tiếp với nước, còn cho biết hằng số suy giảm T2 liên hệ với kích thước lỗ hổng tầng chứa nước, xác định khá tin cậy đỉnh của tầng chứa nước đầu tiên và cũng cho biết độ rỗng một cách tương đối. Mỗi điểm đo sâu cộng hưởng từ thường mất khoảng một ngày, nhất là trong những vùng nhiễu điện từ mạnh thì thời gian đo càng kéo dài hơn do vậy không thể tìm kiếm nước dưới đất ngay bằng đo sâu cộng hưởng từ mà trước tiên cần dùng các phương pháp đo nhanh hơn như đo sâu phân cực 2D, trường chuyển để phát hiện vùng triển vọng có nước.

+ Phương pháp đo sâu cộng hưởng từ sẽ được triển khai ở một số điểm có triển vọng nước theo kết quả đo sâu phân cực 2D và đo sâu trường chuyển để xác định khá tin cậy đỉnh của tầng chứa nước đầu tiên và cũng cho biết độ rỗng một cách tương đối.

Như vậy kết hợp đo mặt cắt phân cực, đo sâu phân cực 2D và đo sâu trường chuyển đi trước để tìm ra vùng triển vọng, trên vùng đó thực hiện đo sâu cộng hưởng từ để xác định vùng chứa nước và hàm lượng nước giúp cho việc khảo sát nước dưới đất hiệu quả hơn.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13877/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)