Cam là cây ăn quả có múi có tên khoa học là Citrus sinensis, tên tiếng Anh là orange thuộc chi citrus (chi cam chanh), họ Rutaceae (cam chanh). Cam có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á đến vùng Đông Bắc Ấn Độ, Myanmar, Vân Nam Trung Quốc, được trồng ở Trung Quốc từ 2500 năm trước Công nguyên. Cam được đưa vào trồng ở Ý từ thế kỷ 11 và các lái buôn người Ý đưa vào vùng Địa Trung Hải từ những năm 1450 và phải đến năm 1646 cây cam mới được biết đến một cách rộng rãi ở châu Âu, Người Tây Ban Nha giới thiệu cam ngọt vào Nam Mỹ và Mexico của giữa những năm 1500.
Cam không có chất béo, cholesterol, nhưng có hàm lượng khá về pectin, là chất rất hiệu quả trong giảm trọng lượng cơ thể đối với người béo phì, như là thuốc nhuận tràng, giúp bảo vệ niêm mạc của ruột, giảm mức cholesterol trong máu. Cam, là một nguồn tuyệt vời của vitamin C, giúp cơ thể phát triển sức đề kháng, hàm lượng khá cao vitamin A và flavonoid khác như alpha và beta caroten, betacryptoxanthin, Zea-xanthin và lutein có tính chống oxy hóa, cần thiết để duy trì màng nhầy và da khỏe mạnh, giúp cơ thể để bảo vệ phổi và ung thư khoang miệng, ngoài ra còn là một nguồn rất tốt của các vitamin nhóm B như thiamin, pyridoxine, và folate. Cam cũng chứa một lượng rất tốt của các khoáng chất như kali và canxi. Kali là một thành phần quan trọng của tế bào và chất dịch cơ thể giúp kiểm soát nhịp tim và huyết áp.
Việt Nam là một nước có khí hậu khá thích hợp cho việc phát triển các loại cây ăn quả có múi, trong đó có cam. Nếu như từ năm 1984 diện tích thu hoạch của cây cam trên lãnh thổ Việt Nam là 17 nghìn ha và sản lượng đạt 110.000 tấn thì sau 20 năm, đến năm 2004, diện tích này đã tăng lên đến 55 nghìn ha với sản lượng tăng lên đến 538.000 tấn (FAO, 2006). Năm 2019, diện tích trồng cam của Việt Nam đạt 94,4 nghìn ha; sản lượng đạt 960,9 nghìn tấn (theo chinhphu.vn và mpi.gov.vn). Một số giống cam nổi tiếng với chất lượng quả tốt, được thị trường ưa chuộng, được xem là đặc sản của một số vùng như cam Bù (Hà Tĩnh); cam Canh (Hà Nội); cam Sành (Hà Giang, Tuyên Quang); cam Xã Đoài, Vân Du, Sông Con (Nghệ An). Ngoài ra, còn có rất nhiều các giống cam địa phương cũng như các giống cam nhập nội khác đang được trồng góp phần làm phong phú về chủng loại và chất lượng cam tại Việt Nam.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu… đã và đang giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam của các vùng trồng cam Việt Nam, khẳng định được thương hiệu, từng bước tiếp cận những thị trường khó tính trên thế giới. Hiện nay, ở nhiều địa phương, cây cam đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Về thị trường tiêu thụ, mặt hàng cam Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ trong nước, sản lượng cam xuất khẩu chưa đáng kể, chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị của sản phẩm.
Xuất phát từ thực tiễn trên Cơ quan chủ trì Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý dự án cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Nguyễn Mạnh Tuấn thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên, của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang” với mục tiêu xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm cam sành của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo danh tiếng, giá trị của sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm cam sành Hàm Yên.
Việc thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên, của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang” là phù hợp và cần thiết với hiện tại và trong tương tai. Dự án được triển khai thực hiện dưới sự quản lý và giám sát cũng như phối hợp giữa Cục Sở hữu trí tuệ và đơn vị chủ trì thực hiện dự án. Bên cạnh đó, dự án có sự tham gia tích cực của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Hàm Yên, Hội cam sành huyện Hàm Yên, các cơ quan hỗ trợ chuyên môn, các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm cam sành Hàm Yên.
Đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan hoàn thành các hoạt động của dự án; các kết quả, sản phẩm đầu ra của dự án đảm bảo về số lượng, chất lượng, trong khuôn khổ khung thời gian và nguồn kinh phí theo đúng thuyết minh dự án được phê duyệt và hợp đồng được ký kết với Cục Sở hữu trí tuệ.
Dự án đã chứng minh được tính chất đặc thù của sản phẩm cam sành Hàm Yên và sự khác biệt của sản phẩm cam sành Hàm Yên với các sản phẩm tương tự, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00086, theo Quyết định cấp giấy chứng nhận số 4010/QĐ-SHTT ngày 7/10/2020;
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18736/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn