(NASATI) Là một diễn đàn quốc tế cấp cao thường niên dành cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý, Hội thảo quốc tế lần thứ 7 của IEEE về khoa học và CNTT (ICIST) năm 2017 thu hút 120 chuyên gia, nhà khoa học uy tín trên thế giới về tham dự.

Ngày 17/4/2017, tại Đà Nẵng, Hội thảo ICIST 2017 đã chính thức được khai mạc. Hội thảo do Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn phối hợp với Trường Đại học Thành phố Hồng Kông tổ chức, diễn ra trong hai ngày 17 và 18/4/2017.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Trường Đại học Thành phố Hồng Kông, lãnh đạo Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn, đại diện các trường đại học trong và ngoài nước cùng lãnh đạo các cơ quan và ban ngành tại địa phương. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học và CNTT.

TS Hoàng Bảo Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn cho biết: Hội thảo khoa học quốc tế được xem như là một sự kiện quan trọng trong số các hoạt động khoa học công nghệ thường niên của trường, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ giảng viên cũng như nâng cao vị thế của trường. Đây là nơi giao lưu học hỏi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Hội thảo ICIST là một sự kiện khoa học công nghệ nổi bật nằm trong chuỗi các sự kiện đánh dấu 10 năm trưởng thành và phát triển của trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn.


TS Hoàng Bảo Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn phát biểu khai mạc Hội thảo ICIST 2017.

Tại ICIST 2017, các diễn giả chính là những giáo sư đầu ngành trên thế giới trình bày về các vấn đề mang tính thời sự của ngành CNTT như: Giáo sư Zongben Xu (Viện Khoa học Trung Quốc) trình bày chủ đề “Dữ liệu lớn – Thách thức và thực tiễn”; Giáo sư Hong Yan (Hiệp hội Kỹ thuật các hệ thống điều khiển tự động thông minh và nhân tạo – IEEE SMC) trình bày chủ đề “Học không giám sát dựa trên tổ hợp phân cụm”; Giáo sư Derong Liu (Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc) trình bày chủ đề “Giản đồ điều khiển cho hệ thống động lực học phi tuyến dựa trên việc tiếp cận chương trình động lực học thích ứng”.

Bên cạnh đó, 84 bài báo khoa học chất lượng cao trong tổng số 169 bài báo nộp về cho Ban tổ chức đã được trình bày bởi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học và CNTT. Các bài báo được trình bày tại mỗi phiên làm việc theo các chủ đề như: hệ thống điều khiển, mạng truyền thông thông tin, xử lý ảnh, công nghệ phần cứng, hệ thống thông minh, xử lý ngôn ngữ và dữ liệu… Trong đó, Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn tham gia 5 bài với các chuyên đề về nghiên cứu dữ liệu lớn, truyền thông bằng đèn LED, an ninh mạng, nâng cao chất lượng cảm biến không dây…