(NASATI) Ngày 18/4/2017, tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Trung tâm ứng dụng KH&CN và khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã tổ chức Hội thảo về Hiệp định Thương mại tự do, Thông tin công nghệ và cách tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ. Mục đích của Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin cần thiết về Hiệp định thương mại tự do, các nguồn vốn hỗ trợ đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị tìm kiếm các thông tin KH&CN, lựa chọn công nghệ và giải pháp thích hợp để áp dụng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu với các khu vực.
Tham dự Hội thảo có: Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng dụng KH&CN và Khởi nghiệp; Ông Ngô Minh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Thành Huy, Phó Giám đốc Quỹ đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN; Bà Đỗ Thị Kim Tuyết, Giám đốc Công ty đầu tư Angel; các đại biểu thuộc các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, Sở KH&CN các tỉnh.
Ông Ngô Minh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do và được bạn bè quốc tế tin cậy, lựa chọn như một đối tác tiềm năng. Kể từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) ký năm 1996 đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu chính thức có hiệu lực ngày 05/10/2016 đã đưa Việt Nam chính thức là đối tác đầu tiên ký FTA với Liên minh, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường rộng lớn.
Toàn cầu hóa là cơ hội vàng với những ai biết nắm bắt cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức với những ai chưa trang bị đủ hành tranh kiến thức để sẵn sàng nắm lấy nó. Việc đầu tiên các doanh nghiệp cần phải hiểu và thông thuộc quy định của thế giới, qua đó làm được đúng, không vi phạm luật quốc tế, đồng thời phải hiểu rõ về thị trường, đối thủ, thế mạnh của mình để phát triển. Do vậy, doanh nghiệp phải xác định nếu không đổi mới công nghệ thì sẽ không thể tồn tại và có nguy cơ phá sản. Các nhà khoa học phải có tinh thần chuyển giao kết quả nghiên cứu, và coi việc chuyển giao này là tất yếu, sẽ đem lại nguồn tài chính để phục vụ cuộc sống chính nhà khoa học, cũng như để phục vụ nghiên cứu tiếp theo. Cả hai bên, các nhà khoa học và doanh nghiệp, cần phải nhận thức được đây là quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi thì kết nối này mới thành công bền vững và hiệu quả.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày các tham luận: Hiệp định thương mại tự do và những cơ hội, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam; Phương thức tìm kiếm thông tin công nghệ và lựa chọn công nghệ thích hợp; Hướng dẫn cách thức nhận hỗ trợ của Quỹ Đổi mới công nghệ; Phương thức quản trị hiệu quả doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa; Phương thức gọi vốn đầu tư phát triển doanh nghiệp.