Gác lại sự nghiệp “gõ đầu trẻ”, chàng trai người dân tộc Mường – Nguyễn Văn Đức (Tân Sơn, Phú Thọ) quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi gà 9 cựa.

Những ngã rẽ đổi đời

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Tân Phú (Tân Sơn, Phú Thọ), anh Nguyễn Văn Đức (36 tuổi) luôn khát khao một ngày nào đó có thể quay về phát triển, làm giàu cho quê hương. Học hết phổ thông, chàng trai dân tộc Mường xuống Hà Nội học ngành sư phạm. Sau khi ra trường, anh về công tác tại một trường học ở Phú Thọ trong vòng 3 năm, đến năm 2018, anh quyết định xin nghỉ việc về nhà khởi nghiệp.

“Lúc đó, gia đình tôi gặp khó khăn về kinh tế nên tôi xin nghỉ việc để về nhà khởi nghiệp. Tôi nhận thấy, ở quê mình có giống gà 9 cựa quý hiếm, có giá trị cao mà không được nuôi bài bản dẫn đến việc bị pha tạp giống, nên tôi muốn đầu tư, nuôi thử giống gà này” – anh Đức nói.


Những con gà 9 cựa có mào đỏ tươi, màu lông bắt mắt.

Để có được giống gà quý, anh Đức phải lặn lội đi khắp các bản làng ở Phú Thọ thu mua gà. Hồi đó, anh mua khoảng 1.000 con gà các loại về sàng lọc, nhân giống nhưng chỉ ra được 100 con gà đạt chuẩn, đúng với tiêu chí đặt ra. Cụ thể, dòng gà chuẩn là lúc nở ra sẽ có 6 cựa, khi phát triển và trưởng thành sẽ có 8 cựa hoặc 9 cựa.

“Những ngày đầu khởi nghiệp gian nan lắm, tiền không có, tôi phải bán mấy quả đồi để lấy vốn mua gà. Nếu nhớ không nhầm, số tiền mà tôi bỏ ra mua giống khi đó là khoảng 200 triệu đồng” – anh Đức thông tin.


Anh Nguyễn Văn Đức cầm trên tay con gà 9 cựa.

Tuy nhiên, theo anh Đức, khó khăn về vốn chỉ là một phần, khó khăn nhất là việc chăm sóc gà. Do chưa có kiến thức, kinh nghiệm nên những ngày đầu chăm nuôi, anh Đức vất vả vô cùng, nhất là khi gà bị ốm, bị bệnh.

“Nhà tôi ở cách xa trung tâm nên mỗi lần đi mua thuốc về tiêm cho gà đều phải đi lại vất vả, thành ra chi phí nuôi, chăm sóc gà bị đội lên cao. Hồi mới nuôi, mỗi khi gà ốm, tôi còn không biết cách xử lý thế nào, nên cứ chạy vạy khắp nơi tìm hiểu. Mãi sau này, khi tôi dần quen và có kinh nghiệm thì mới đỡ vất vả” – anh tâm sự.

Theo anh Đức, thời gian đầu làm bạn với gà, anh gần như chẳng có lãi, thậm chí còn lỗ vốn. Bởi theo anh, làm nông nghiệp muốn “ăn xổi”, lãi ngay thì rất khó, ít nhất là phải sau 5-10 năm mới nhìn thấy thành quả rõ rệt. Cho nên, nếu ai không đam mê, yêu thích và thực sự dốc lòng thì không thể làm nổi.


Khi mới nở, dòng gà này thường có 6 cựa.

Làm giàu từ gà 9 cựa

Xác nhận về mô hình nuôi gà của anh Nguyễn Văn Đức với PV Dân trí, ông Hoàng Văn Dũng – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Sơn (Phú Thọ) – cho biết đó là mô hình tốt, tiêu biểu ở xã Tân Phú.

Về phía anh Đức, sau 2 năm hoạt động, mô hình nuôi gà 9 cựa của anh Đức dần đi vào ổn định nhưng anh lại gặp phải một bài toán lớn là tìm đầu ra. Vì thế, anh đã thuê một người đến chăm sóc gà để anh đi tìm đầu ra, nơi tiêu thụ.

Điểm đến của anh là các thành phố lớn, nơi có các nhà hàng, quán ăn chuyên về gà đặc sản như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng. “Nơi nào có khách thì mình đi thôi, đi để tìm hiểu xem khách đang cần gì, muốn gì. Hồi đó, tôi bỏ ra 17 triệu đồng vào TPHCM để khảo sát thị trường một tuần. Thậm chí, tôi còn dành 2 tháng ở Hà Nội để đi khắp các nhà hàng, quán ăn quảng cáo, tiếp thị”.

Ban đầu, khi chàng trai người dân tộc Mường đi quảng cáo về gà 9 cựa, nhiều người hoài nghi, lăn tăn nhưng anh vẫn cố gắng thuyết phục họ đến cùng. Nhờ sự nỗ lực, anh đã thành công, hiện nay, gà nhà anh đã có mặt ở các thị trường lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác.


Ngoài bán gà thịt, anh Đức còn bán gà giống.

Theo tiết lộ, doanh thu bán gà trong năm 2020 của anh Đức đạt 2,5 tỷ đồng, nếu trừ hết chi phí, anh thu lãi khoảng 15-20%.

Thông thường, gà nhà anh được bán theo 3 kiểu, một là gà thịt, phục vụ cho thị trường tiêu dùng hàng ngày với giá 200.000-250.000 đồng/kg. Hai là gà thắp hương, cúng lễ, biếu tặng thuộc dòng 8 cựa, 9 cựa có giá 600.000-1.500.000 đồng/con. Ba là gà giống, trứng giống phục vụ cho các trại chăn nuôi.

“Với những con gà 9 cựa, loại cực phẩm dành riêng cho việc làm cảnh, biếu tặng có thể lên tới 15-30 triệu đồng/con. Đa phần, những con gà này đều được nuôi trên 8 tháng và chúng thường nặng từ 1,8-2,5 kg /con” – anh tiết lộ.


Gà được chăn thả tự nhiên.

Để mở rộng quy mô, ngoài tự nuôi, anh Đức còn kết nạp thêm các “vệ tinh”. Cụ thể, anh sẽ đứng ra lo bao tiêu, cung cấp giống gà cho các hộ gia đình với một yêu cầu, gà thương phẩm phải đạt chất lượng như cam kết.

Theo đó, toàn bộ kiến thức, kinh nghiệm nuôi gà được anh Đức hướng dẫn cho các “vệ tinh” để mọi người chăn nuôi hiệu quả. Ngoài ra, anh còn mở các kênh bán hàng trên mạng để đến gần hơn với khách hàng.

“Hiện chiến lược kinh doanh của tôi đang thay đổi, tôi tập trung cho mảng bán lẻ nhiều hơn. Với cách này, tôi sẽ kiểm soát được tốt đầu ra, tiếp cận được nhanh, chính xác phản hồi của khách chứ không cần thông qua một bên thứ ba” – anh phân tích.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh gà của anh Đức cũng gặp nhiều khó khăn. Song, anh luôn tin tưởng rằng, con đường khởi nghiệp của anh là đúng đắn, bởi nó không những mang lại thu nhập tốt cho anh mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho bà con ở quê hương.

THEO HOÀNG DUNG
(Báo Dân trí)